Tìm giải pháp để DNNN giữ vững vị trí then chốt

Vào ngày 21/11 tới đây, Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ chính thức được diễn ra. Ông Đặng Quyết Tiến (ảnh)– Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí xung quanh sự kiện này.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính.

Xin ông cho biết mục đích tổ chức của hội nghị này?

Mục đích của hội nghị là rà soát các kết quả sau hơn 2 năm triển khai công tác cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN của giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó đưa ra các nhận định, đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, các vướng mắc, tồn tại để tháo gỡ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Để phục vụ hội nghị, lãnh đạo Chính phủ đã có yêu cầu các DN trình bày các vướng mắc để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại hội nghị. Ông có thể cho biết rõ hơn các DN sẽ báo cáo những gì để Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn?

Sơ bộ, Bộ Tài chính đã tiếp nhận được 461 kiến nghị của 108 đơn vị, gồm: 18 bộ, cơ quan ngang bộ, 44 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, 46 địa phương. Bộ Tài chính đã có công văn gửi các kiến nghị này để các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, trả lời các đơn vị nêu tại Hội nghị. Bộ Tài chính kỳ vọng thông qua Hội nghị, các vướng mắc của các đơn vị sẽ được giải đáp, từ đó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, hoàn thành mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Hội nghị lần này có thể coi là một hội nghị tập trung đầu tiên bàn về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Theo ông, sự kiện này sẽ có tác dụng như thế nào đối với việc phát triển khối DNNN và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực mà khối này đang nắm giữ?

DNNN tuy chiếm chưa đến 1% tổng số lượng các DN cả nước nhưng là khu vực nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của DNNN nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế....

Trên cơ sở các báo cáo, hội nghị tới đây sẽ trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan và đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 12-NQ/TƯ ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN để DNNN giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tim-giai-phap-de-dnnn-giu-vung-vi-tri-then-chot.aspx