Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng mới đạt hơn 49% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ Tài chính đó là việc chậm quyết toán các dự án hoàn thành. Đơn cử như năm 2017, số dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán chỉ bằng khoảng 73% tổng số dự án hoàn thành; 51% số dự án hoàn thành nhưng quá hạn vẫn không nộp báo cáo quyết toán. Có thể ví dụ như dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê…

Sở dĩ có sự chậm trễ này, về phía cơ quan phê duyệt quyết toán, thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán các dự án; chưa thực hiện nghiêm quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, lực lượng thẩm tra quyết toán của các cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán còn thiếu; thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán của một số dự án quy định 1 tháng là quá ngắn. Về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu chưa chấp hành nghiêm, còn vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành để gửi cơ quan thẩm tra quyết toán thẩm tra theo quy định.

Chậm quyết toán kéo lùi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Chậm quyết toán kéo lùi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; chưa tuân thủ về quy trình, trình tự trong đầu tư xây dựng cơ bản; chưa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, thi công trong thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, trong từng đơn vị thực hiện, việc giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn đặc thù. Ví dụ như tại Bộ Y tế, tính đến 30/9, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 26% kế hoạch vốn được giao năm 2019.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân, như đối với các dự án chuyển tiếp, chủ yếu là do công tác thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành chậm, chưa làm kịp các thủ tục để tạm ứng, thanh toán nên dẫn đến giải ngân chậm; đối với một số dự án xây dựng mới bệnh viện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian để làm các thủ tục xin đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp thực hiện.

Ngày 16-10 vừa qua, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ký Chỉ thị số 5465/CT-KBNN về việc tăng cường các giải pháp trong hệ thống KBNN nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo Chỉ thị, KBNN các tỉnh cần chủ động phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tận tình, chu đáo, nhất là trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán hoặc có những thay đổi về cơ chế chính sách liên quan đến công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư…

Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo công chức làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.

Tổng Giám đốc KBNN cũng nghiêm cấm công chức làm công tác kiểm soát chi của KBNN lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân cố tình vi phạm gây chậm trễ trong thực hiện.

Cùng với đó, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấp hành quy định của pháp luật trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước của KBNN. “Thực hiện phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc theo quy định. Đối với phương thức "kiểm soát trước, thanh toán sau", đảm bảo thời gian kiểm soát thanh toán chậm nhất 3 ngày làm việc theo quy định”, Chỉ thị nêu rõ.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng cùng với việc khắc phục nội tại, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công như nguồn vốn đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư, công tác quản lý dự án, đẩy nhanh công tác thẩm định thiết kế, dự toán, cho phép thực hiện trước các công tác chuẩn bị đầu tư, như thuê tư vấn lập thiết kế, dự toán, thẩm định để khi có thông báo vốn sẽ thực hiện đấu thầu ngay...

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/tim-giai-phap-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-566328/