Tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển (Kỳ 1)

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển ở các tỉnh, thành phố phía nam liên tục xảy ra, với quy mô và cường độ ngày càng tăng, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống, sinh hoạt người dân ven biển. Để bảo vệ bờ biển lâu dài, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể, căn cơ, hiệu quả nhằm ngăn chặn sự xâm thực của biển.

Huy động các lực lượng tại chỗ đóng cọc cừ, dùng bao cát chắn sóng ở khu phố 5, phường Đức Long, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: ĐÌNH CHÂU

Bài 1: Biển “nuốt” nhà

Lo lắng, bất an là tâm trạng chung của người dân ở những vùng sạt lở do biển xâm thực. Dọc bờ biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có nhiều khu vực biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét mỗi năm. Không ít ngôi nhà bị nhấn chìm, người dân mất trắng nhà cửa, vườn tược…

Bất an vì sạt lở

Gia đình ông Huỳnh Văn Ngoạt, ngụ tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) nhiều lần buộc phải di dời nhà do sạt lở bờ biển. Lần gần nhất vào đầu năm 2017 khi đợt sóng lớn cuốn trôi căn nhà tường kiên cố của ông, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông vẫn chưa đủ khả năng để làm lại nhà mới và cuộc sống hết sức khó khăn. Cách nhà ông Ngoạt hơn 100 m, gia đình ông Dương Ngọc Thanh cũng khốn đốn vì sạt lở. Trước đây, gia đình ông có gần 1 ha đất trồng dưa hấu, củ cải trắng ngay sát bờ biển. Hơn 10 năm qua, bờ biển bị sạt lở cho nên đất bị "nuốt" dần dần. Hiện diện tích đất của gia đình ông chỉ còn không quá 3.000 m2 và đang tiếp tục bị biển nhấn chìm.

Sạt lở nghiêm trọng nhất tại tỉnh Bến Tre hiện nay là khu vực bờ biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, xói lở bờ biển đã xóa sổ 110 ha đất sản xuất của người dân, trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5 km với 97 hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà do sạt lở bờ biển. Gia đình bà Hồ Thị Dung, ngụ ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải có căn nhà trên khu đất 3.000 m2 trồng hoa màu ở ven biển. Năm 2017, gần 2.000 m2 đất cùng căn nhà bị lở xuống biển, bà được chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để cất căn nhà mới lùi vào phía trong đất liền khoảng 100 m. Vậy mà, chỉ sau một năm, sạt lở tiếp tục lấn vào tới sát nhà. Bây giờ, gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất đã trôi xuống biển khiến gia đình bà buộc phải đi làm thuê kiếm sống.

Hàng trăm hộ dân ở tỉnh Bình Thuận cũng rơi vào tình cảnh tương tự do xâm thực biển diễn ra với cường độ ngày càng tăng. Ông Lê Ngọc Thu, Trưởng thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết cho biết: “Trước đây, cách bờ khoảng hơn 100 m là bốn dãy nhà của người dân. Từ năm 2010 đến nay, biển lấn sâu vào đất liền đã cướp đi 135 căn nhà trong thôn. Mỗi lần biển xâm thực, thành phố và chính quyền địa phương cũng chỉ khắc phục bằng các giải pháp tình thế như huy động lực lượng hỗ trợ dân di dời tài sản, đồng thời đóng cọc bằng cây cừ, cây tràm rồi dùng bao cát chắn sóng”.

Từ năm 2014 đến nay, tại nhiều địa phương ven biển Bình Thuận như huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, biển xâm thực vào đất liền ở nhiều vị trí với tổng chiều dài hơn 21,3 km, kéo theo hơn 200 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn và hàng trăm căn nhà khác có nguy cơ bị biển “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.

Chỉ tính trong thời gian ngắn, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, những đợt triều cường, sóng lớn đánh vào làm sạt lở hơn 1.000 m bờ biển, ăn sâu vào đất liền 30 đến 80 m, làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác của người dân đang sinh sống dọc các khu phố 12, 13, 14. Còn tại TP Phan Thiết, ở khu vực bờ biển thuộc các phường Hàm Tiến, Phú Hài, Đức Long và xã Tiến Thành, biển xâm thực từ nhiều năm nay, với tổng chiều dài hơn 5,5 km, mỗi năm lấn sâu vào đất liền từ 4 đến 5 m, có nơi biển lấn sâu hàng chục mét. Đáng chú ý, tại khu vực khu phố 5, phường Đức Long và đoạn nối tiếp với vùng bờ biển thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, chiều dài bờ biển bị sạt lở dài hơn 2.000 m.

Tại hai thôn Khánh Nhơn 1 và Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), hơn 20 hộ dân sống sát bờ biển, đã có gần chục căn nhà bị sóng biển đánh sập. Khoảng cách hàng trăm mét trước đây giữa bờ biển và khu dân cư thôn Khánh Nhơn 1 giờ chỉ cách vài bước chân với ngổn ngang đất, đá của một dãy nhà gần bờ nhất bị đánh sập mấy năm trước. Hiện tại, sạt lở đã lấn sát dãy nhà tiếp theo, nhiều gia đình chỉ còn lại nửa căn nhà, nhưng đành bất chấp nguy hiểm để lưu trú mỗi ngày, vì không còn cách nào khác.

Theo nhiều người dân nơi đây, vào mùa gió bấc (từ tháng 9 đến tháng Chạp), tuy gió ít, nhưng bị tác động của sóng biển kết hợp với triều cường mạnh, cho nên gây ra sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Nguy hiểm nhất là vào lúc nửa đêm, sóng biển bất ngờ dâng cao và đánh vào bờ, người dân không dám ngủ, phải thường xuyên canh chừng để kịp thời di chuyển tài sản sang các nhà nằm sâu trong làng để lánh nạn.

Gia tăng thiệt hại

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5 đến 45 m/năm, dẫn đến trung bình mỗi năm mất hàng trăm héc-ta đất. Trong đó, điển hình là bờ biển: Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau)...

Đáng chú ý, vào mùa gió chướng (gió mùa đông bắc), bờ biển của bảy tỉnh ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu thiệt hại do sóng biển. Đất liền bị sạt lở dần do sóng biển, hàng nghìn hộ dân đang cần nơi tái định cư để ổn định cuộc sống. Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết, sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Hầu như năm nào địa phương cũng vận động, hỗ trợ người dân di dời nhà cửa ra khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở bờ biển.

Còn tại Tiền Giang, đoạn đê biển dài 21 km có tác dụng bảo vệ, ổn định sản xuất cho khoảng 35 nghìn héc-ta đất nông nghiệp và 600 nghìn người dân đang sinh sống trong vùng ngọt hóa Gò Công cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, có 47 hộ dân đang cần phải di dời khẩn cấp. Bà Nguyễn Thị Lo, ấp Cầu Muống nói: “Tôi lớn lên ở đây khi còn nhỏ, nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra nhanh chóng như thời điểm này. Mặc dù người dân đã dùng mọi cách nhưng vẫn không chống được sạt lở. Hiện tại, biển đã tiến vào sát vách nhà, muốn di dời đi nơi khác nhưng không có đất để di dời, rất mong Nhà nước hỗ trợ vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết: “Tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay rất nghiêm trọng. Vì vậy, để thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển lâu dài, bền vững, Bình Thuận đã kiến nghị các bộ, ngành T.Ư rà soát đánh giá và lập quy hoạch phát triển công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó có bổ sung, điều chỉnh quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển, để có cơ sở xem xét đánh giá, phân tích lại ưu điểm, nhược điểm các dự án kè đã xây dựng, quá trình bồi lấp, xói lở bờ biển, đề xuất các biện pháp tổng quan, căn cơ, hiệu quả và phù hợp với thực tế địa phương”.

Cùng với các giải pháp xây dựng các công trình đê kè ven biển, Bình Thuận cũng triển khai việc xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi xâm thực. Tại TP Phan Thiết, chính quyền địa phương đã huy động nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xây dựng được khu tái định cư thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành có diện tích 5 ha với đầy đủ hạ tầng thiết yếu để di dời các hộ gia đình ở thôn Tiến Đức bị thiệt hại do biển xâm thực. Đồng thời, địa phương phối hợp các ngành của tỉnh, TP Phan Thiết thực hiện chính sách hỗ trợ cho mỗi hộ dân di dời tới khu tái định cư 20 triệu đồng, chế độ an sinh là năm triệu đồng/hộ; hộ nghèo được hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/hộ từ Quỹ “Vì người nghèo” của thành phố.

Tại Ninh Thuận, để giải quyết tình thế trước mắt, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã huy động phương tiện đổ đá hộc lấp những đoạn bị sóng biển gây sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hiện mùa gió bấc đang đến gần, nếu không sớm sửa chữa những đoạn đê và hành lang kè chắn sóng bị hư hỏng, người dân nơi đây chỉ còn cách di dời đến nơi khác để tự bảo đảm tính mạng của mình.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC TP HỒ CHÍ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37738002-tim-giai-phap-chong-sat-lo-bo-bien-ky-1.html