Tìm giải pháp chống ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch công viên, cây xanh, tiến độ triển khai dự án, giải pháp chống ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và UBND TPHCM tại kỳ họp HĐND TPHCM sáng 6/12.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM trả lời chất vấn tại hội trường sáng 6/12.

Chống ngập là việc làm cấp bách

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm chống ngập) cần nói rõ thông tin về tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh Hy vọng. Đây là công trình cấp thiết không chỉ thoát ngập cho quận Tân Bình và sân bay Tân Sơn Nhất, có quy mô dự án 150 tỷ đồng.

“Được biết dự án này đang gặp khó về nguồn vốn nhưng cử tri cho rằng không thể vì vậy mà dừng dự án bởi việc chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất đang rất bức xúc và cấp bách. Đề nghị Trung tâm chống ngập cho biết hướng xử lý thế nào sắp tới ra sao?”, ông Quang đề nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính gồm: kênh A41, kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản. Trong đó, mương Nhật Bản có một nhánh đang hoạt động tốt, còn một nhánh cần phải nắn lại dòng chảy để thoát nước hiệu quả. Kênh Hy Vọng hướng ra kênh Tham Lương thì đoạn trong sân bay tới đường Tân Sơn đã được nạo vét thường xuyên nhưng đoạn từ Tân Sơn đến kênh Tham Lương đang bị người dân lấn chiếm, xả rác, cỏ mọc um tùm… dẫn đến hiệu quả thoát nước không cao.

Theo ông Dũng, hiện thành phố đã dùng ngân sách để cải tạo mương Nhật Bản trong năm 2016-2017. Thành phố cũng đã làm việc với Ngân hàng thế giới, để cải tạo hai hướng thoát nước còn lại cho sân bay. Hiện phần kênh A41 đã được giao cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư, công tác mặt bằng đang được triển khai.

Tuy nhiên, vấn đề vay vốn đang bị vướng nên thành phố đã quyết định sẽ dùng vốn ngân sách để chi cho việc cải tạo kênh Hy Vọng. Công trình cải tạo kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8 km, rộng 5-11m, có 2 đường giao thông hai bên. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 150 tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết thêm.

Đại diện UBND quận Tân Bình cũng cho biết, mặc dù gần đây sân bay Tân Sơn Nhất không còn bị ngập nặng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay như những năm trước, nhưng những nguy cơ gây ngập vẫn còn hiện hữu khi công tác chống ngập cũng như việc triển khai các dự án chống ngập ở khu vực này hiện vẫn đang gặp nhiều vấn đề.

Theo đó, để khắc phục tình trạng ngập ở sân bay, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để khơi thông dòng chảy, nạo vét, tuyên truyền để người dân không xả rác xuống các dòng kênh bao quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Hàng trăm dự án bị thu hồi do chậm thực hiện

Theo ý kiến của một số đại biểu, quy hoạch đất công viên, cây xanh ở TPHCM đang khiến cho cuộc sống người dân lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Liên quan đến các câu hỏi của các đại biểu về các dự án chậm thực hiện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho hay, thành phố thực hiện 2 nghị quyết về quản lý đất đai. Đối với Nghị quyết 16, TPHCM xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm thực hiện.

Đối với Nghị quyết 21, TPHCM đã rà soát trên 2.800 dự án, 180 dự án trình thu hồi chủ trương. Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện các dự án thu hồi đất thì vấn đề giá bồi thường là quan trọng nhất khiến nhiều dự án chậm triển khai. Hiện thành phố chia 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra liên quan đến việc khiếu nại của cử tri kéo dài trong quá trình thu hồi đất, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị phải giải quyết dứt điểm, chấm dứt tư duy nhiệm kỳ. Đại biểu Thắng dẫn chứng trường hợp bà Bà Huỳnh Thị Ngọc Hóa (huyện Nhà Bè) được cấp nền khi bị thu hồi đất nhưng 20 năm qua chưa được giải quyết. Người dân đi hỏi nhiều nơi nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể, rõ ràng.

Trả lời vấn đề này, ông Hà Phước Thắng, Giám đốc BQL Khu Nam cho hay, sau khi nhận đơn đã gửi cho UBND quận 7 và đang theo dõi. Theo thông tin từ Công ty Sadeco, trong tháng 12 sẽ giải quyết cho người dân.

Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cũng cho biết, sau khi nhận đơn làm việc với khu Nam và Công ty Sadeco để tìm hiểu và xác định việc chậm trễ là do sai sót trong quá trình thực hiện.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tim-giai-phap-chong-ngap-khu-vuc-san-bay-tan-son-nhat.aspx