Tìm giải pháp cho vấn đề nợ công toàn cầu

Dưới tác động của một loạt thách thức chồng chéo, mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển. Ðể đạt các mục tiêu phát triển bền vững, Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cùng tìm ra các giải pháp đa phương mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công mà các nước đang phát triển phải đối mặt.

(Ảnh minh họa: Báo Công thương)

(Ảnh minh họa: Báo Công thương)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, lạm phát và khủng hoảng tài chính,… nợ nước ngoài của các nước nghèo tăng rất mạnh trong 10 năm qua. Hai năm gần đây, một số nước phải tuyên bố vỡ nợ, trong đó, các quốc gia châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển. Tình trạng vỡ nợ đẩy các nước vào vòng xoáy của bạo lực chính trị và bất ổn xã hội, do thiếu các dịch vụ thiết yếu, điều kiện an ninh, y tế, giáo dục cơ bản không được bảo đảm.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản nợ song phương chính thức mà các nước nghèo nhất thế giới phải trả tăng 35% so với năm 2021. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính, nếu các khoản nợ chính phủ kể từ năm 2019 được phản ánh đầy đủ trong các khoản thanh toán lãi, các chính phủ sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023. Số tiền này cao gấp hơn bốn lần khoản đầu tư ước tính hằng năm là 250 tỷ USD cho việc thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner (S.Xtai-nơ) kêu gọi đẩy nhanh các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Theo Giám đốc UNDP, 25 trong số 52 nước gặp vấn đề về nợ đang phải dành tới 20% thu nhập công chỉ để chi trả các khoản nợ. Ông Steiner nhấn mạnh, thực trạng nợ tại các nước đang phát triển này hiện ở mức rất nghiêm trọng, khi tất cả 52 nước, vốn chiếm hơn 40% tổng số những người nghèo nhất thế giới, đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần nguy cơ vỡ nợ.

Liên hợp quốc đặc biệt quan tâm vấn đề tái cấu trúc nợ trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến nhiều nước đang phát triển phải vay nợ nhiều hơn. Tháng 12/2022, Hội nghị quản lý nợ lần thứ 13 do UNCTAD chủ trì diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia. Ngày 22/2 vừa qua, UNDP công bố một hướng dẫn mới, theo đó các nền kinh tế đang phát triển có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ USD nếu thế giới cam kết tái cơ cấu nợ hiện tại và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính hợp lý. Cụ thể, UNDP kêu gọi các chủ nợ xóa 30% các khoản nợ phát sinh trong năm 2021 cho 52 nền kinh tế đang gặp khó khăn, bao gồm Argentina, Liban, Ukraine, 23 nước khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, 10 nước khu vực Mỹ Latin-Caribe, 8 nước tại Ðông Á và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nỗ lực giải bài toán nợ toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn. Nợ chính phủ toàn cầu chính là một trong những lý do khiến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc tại Ấn Ðộ hôm 25/2 mà không ra được tuyên bố chung. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu một nền kinh tế đang phát triển đi vay với lãi suất 12% tới 14% và dành hơn 20% thu nhập mỗi năm chỉ để trả nợ, thì rõ ràng không có cơ hội cho tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững hoặc các cam kết được đưa ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

UNDP hối thúc các nước giải quyết các vấn đề liên quan khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nước nghèo, thay đổi cục diện đa phương và tạo ra một cấu trúc nợ phù hợp bối cảnh thế giới hiện nay. UNDP cảnh báo, nếu không có các biện pháp khẩn cấp, nhiều quốc gia sẽ đối mặt tình trạng nợ nần và vỡ nợ, không thể đầu tư vào các dự án chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng, giảm biến đổi khí hậu và như vậy, mục tiêu cùng phát triển bền vững của thế giới có nguy cơ bị sa lầy.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-giai-phap-cho-van-de-no-cong-toan-cau-post741791.html