Tìm giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng

Bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đang là những vấn đề nhức nhối của nhiều khu vực ở châu Phi, trong đó có Tây Phi. Bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước tiến hành thêm nhiều giải pháp đầu tư vào các dịch vụ công.

Một khu ổ chuột ở thành phố La-gốt, Ni-giê-ri-a. Ảnh: AP

Một khu ổ chuột ở thành phố La-gốt, Ni-giê-ri-a. Ảnh: AP

Bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đang là những vấn đề nhức nhối của nhiều khu vực ở châu Phi, trong đó có Tây Phi. Bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước tiến hành thêm nhiều giải pháp đầu tư vào các dịch vụ công.

Báo cáo với tựa đề “Cuộc khủng hoảng bất bình đẳng tại Tây Phi”, do Oxfam và tổ chức Phát triển tài chính quốc tế công bố mới đây cho thấy, sáu trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi nằm ở khu vực Tây Phi. Trong số đó, ba nước Tây Phi là Cốt Đi-voa, Ga-na và Xê-nê-gan nằm trong tốp 10 nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, kinh tế khu vực Tây Phi hiện phát triển nhanh chưa từng thấy trong 20 năm qua, nhưng chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ dân số thuộc khu vực này.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, bất bình đẳng xã hội lên tới “đỉnh điểm” tại Tây Phi, khi 1% số người giàu nhất tại đây hiện sở hữu tổng tài sản nhiều hơn của tất cả những người còn lại trong khu vực. Thí dụ, tại Ni-giê-ri-a, nơi 60% số dân sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày, tổng số tài sản của năm tỷ phú giàu nhất nước này đạt 29,9 tỷ USD, nhiều hơn ngân sách của chính phủ năm 2017. Ngoài chênh lệch giàu nghèo rõ nét, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại Tây Phi cũng thuộc hàng thấp nhất châu Phi, trung bình 38%, so mức 47,2% ở Đông Phi và 50,2% tại Nam Phi.

Bất chấp kinh tế tăng trưởng vượt bậc, nhiều chính phủ tại Tây Phi dường như vẫn chưa hành động thích hợp với các vấn đề liên quan bất bình đẳng. Người nghèo châu Phi gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các điều kiện thiết yếu để cải thiện cuộc sống, trong đó có cả các dịch vụ về điện. Theo một khảo sát gần đây do tổ chức chuyên nghiên cứu về châu Phi Afrobarometer thực hiện, cứ năm người dân sống tại châu lục này thì hai người không được tiếp cận với nguồn cung cấp điện ổn định. Để hỗ trợ giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) mới đây phê duyệt khoản vay trị giá 500 triệu USD, nhằm mở rộng các dự án sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, nơi không có mạng lưới điện quốc gia. Trước đó, AfDB và các nhà tài trợ quốc tế đã ra mắt Quỹ Hỗ trợ tài chính số (ADFI) tại châu Phi, với mục đích giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng trăm triệu người dân.

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế, các tập đoàn công nghệ lớn đã liên tục thúc đẩy các sáng kiến nhằm hỗ trợ người dân châu Phi, nhất là cộng đồng Tây Phi, để họ có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục có chất lượng. Trong đó, nâng cấp hệ thống đường truyền in-tơ-nét được triển khai mạnh. Mới đây, Google và Facebook thông báo tiến hành xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển bao phủ toàn bộ châu Phi, dọc theo bờ biển Đông, Tây Phi và ven biển Địa Trung Hải. Google cho biết, tuyến cáp này sẽ có dung lượng mạng lớn gấp 20 lần so tuyến cáp mới nhất được hãng xây dựng tại châu Phi, góp phần tăng băng thông tới lục địa này và giảm giá truy cập in-tơ-nét.

Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là cần thiết, song để giải quyết “tận gốc” tình trạng bất bình đẳng, giải pháp từ chính các quốc gia Tây Phi vẫn được xem là “chìa khóa” của vấn đề. Theo ông A.Cu-li-ba-li, giám đốc phụ trách khu vực của Oxfam, dù vấn đề bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên một số chính phủ trong khu vực Tây Phi vẫn chưa chú trọng các giải pháp được cho là hữu hiệu, như đầu tư vào các dịch vụ công như giáo dục, y tế và chống tham nhũng chưa hiệu quả.

OXFAM kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực tiến hành thêm nhiều biện pháp, như tăng chi tiêu xã hội, phát triển thị trường lao động, đồng thời tích cực đầu tư vào nông nghiệp và cải thiện hệ thống thuế. Theo các chuyên gia, không khó để lường trước những hậu quả mà cuộc khủng hoảng bất bình đẳng ở khu vực Tây Phi có thể gây ra, và nếu các quốc gia trong khu vực không đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết giảm bất bình đẳng, cuộc khủng hoảng sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới.

HỒNG LĨNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41238502-tim-giai-phap-cho-van-de-bat-binh-dang.html