Tìm giải pháp cho du lịch mua sắm của Việt Nam - Kỳ 3: Vì sao du khách tiêu ít tiền ở Việt Nam?

So với nước ngoài, Việt Nam không thiếu các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, vùng miền như: Hạt sen, mứt sen, bánh cốm Hà Nội, trà Thái Nguyên, cà phê Trung Nguyên… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa một tỉnh, thành phố nào có trung tâm mua sắm để các đoàn du lịch đưa khách đến tham quan mua sắm. Mua - bán hàng hóa trôi nổi nên nhiều khách du lịch dễ bị lừa.

Bài 1: Nước ngoài "hút tiền” của khách thế nào?

Bài 2: Nhiều cảnh đẹp, nhưng còn hình ảnh xấu xí ảnh hưởng đến du lịch Việt

Thiếu cơ sở mua sắm hàng chất lượng
Theo Bà Phạm Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Công ty du lịch Vietrantour: Khách quốc tế đến Việt Nam thích ăn món ăn Việt, trải nghiệm nấu ăn, tham quan khu vực cổ của Việt Nam. Đối với việc mua sắm, mỗi nhóm khách lại có sở thích khác nhau. Cụ thể, khách Nhật Bản thích các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí nhà cửa. Khách Hàn Quốc thích sắm các mặt hàng phụ kiện thời trang như trang sức. Khách châu Âu lại thích các đồ lưu niệm mang đặc điểm của nơi đến ví dụ như cốc sứ, túi lụa…

Khách Nhật Bản thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, muốn mua hạt sen, trá Thái Nguyên, nhưng chưa rõ mua ở đâu.

Theo ước đoán của Vietrantour, mức chi tiêu cá nhân trung bình của một du khách quốc tế dao động trong khoảng 50 – 90 USD/ngày. Trong đó, nhóm khách thuộc các quốc gia Tây Âu thì mức chi này có thể đạt 80 – 90USD/ngày. Nhận định của Vietrantour, mức chi tiêu này vẫn chưa cho thấy rõ sự tăng trưởng so với vài năm trở lại đây, bởi hệ thống cơ sở mua sắm chưa được đầu tư đồng bộ về chất lượng, số lượng. Các sản phẩm lưu niệm chưa được cải thiện đa dạng mẫu mã và gia tăng giá trị để đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ, chất lượng đối với khách quốc tế cao cấp.
Phóng viên đã trao đổi với nhóm khách Nhật Bản gồm 3 người do một hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Sông Hàn Tourist đưa đi tham quan Hà Nội. Khi được hỏi họ muốn mua gì ở Hà Nội, 3 người này phải thảo luận rất lâu mới đưa ra được thông tin rằng “chúng tôi muốn mua mứt sen và trà Thái Nguyên của Việt Nam”. Khi được hỏi vì sao thì những người này cho biết, đó là những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Pv hỏi ông/bà đã biết mua hàng này ở đâu chưa? “Ồ, chúng tôi chưa biết”.

Những sản phẩm này có tên sản xuất tại làng gốm Bát Tràng bán tại chợ Đồng Xuân. Ở chợ này không có nhiều sản phẩm thủ công của Việt Nam được gắn nhãn mác nơi sản xuất như ở những sản phẩm này.

Khá nhiều khách du lịch mua hàng thủ công mỹ nghệ có xuất xứ tại Việt Nam.

Phóng viên đã dạo quanh khu vực phố cổ, chợ Đồng Xuân của Hà Nội, được biết: Phố cổ có một số cửa hàng bán sản phẩm hàng Việt, như: Bánh cốm (Hà Nội), mứt sen, trà Thái Nguyên, bánh đậu xanh (Hải Dương) ở Hàng Than, chợ Đồng Xuân và một số phố khác. Tuy nhiên, bày bán ở chợ và đường phố, không có địa điểm tập trung khiến các cửa hàng không niêm yết giá bán.
Tại chợ Đồng Xuân hàng hóa bày bán lộn xộn, chỉ có một số quầy bán hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, như: Gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan, trà Thái Nguyên, hạt sen, hàng thổ cẩm… Tuy nhiên, những gian hàng này lọt thỏm trong các gian hàng bán quần áo, đồ hàng Trung Quốc,… Trong số những mặt hàng kể trên cũng không biết có hàng nhái không thì chưa ai kiểm tra và với 1 người mua thông thường cũng khó nhận biết.

Du khách nước ngoài rất quan tâm sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng các sản phẩm này hầu hết không có nhãn mác sản xuất tại đâu.

Là người Việt, phóng viên cũng còn mỏi mắt mới nhận diện được đâu là hàng thật chính hãng, nói gì đến khách nước ngoài. Các mặt hàng thời trang ở khu vực phố cổ và chợ Đồng Xuân chủ yếu là hàng Trung Quốc. Một người bán hàng ở chợ đồng xuân cho biết: Quần áo thời trang ở đây chủ yếu là hàng Trung Quốc, nếu muốn hàng đẹp ra phố Lương Văn Can. Ở đó hàng đẹp hơn ở chợ nhưng cũng vẫn là hàng Trung Quốc thôi.
Hàng chất lượng bị cạnh tranh với hàng nhái, hàng giả
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thống nhất giá, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong mua sắm tại các điểm du lịch; hoặc tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam làm mất đi niềm tin của du khách với hàng hóa Việt. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chính hãng bị giảm uy tín và nó là hình ảnh xấu ảnh hưởng đến ngành Du lịch Việt Nam. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ sở liên kết cung cấp hàng hóa, đồ lưu niệm trong dịch vụ mua sắm cho khách du lịch ngoại.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Phóng viên cũng đã đến làng nghề lụa Vạn Phúc, nơi được khá nhiều khách quốc tế biết đến tham quan và mua sản phẩm. Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề lụa Vạn Phúc: Những năm gần đây sản phẩm lụa Vạn Phúc đã được nhà nước quan tâm cho đi tham quan hội chợ quốc tế ở 1 số nước để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, nhiều khách quốc tế đã biết đến sản phẩm lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, sản phẩm lụa Vạn Phúc đang phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại nhưng chất lượng thấp, hoặc hàng Trung Quốc kém chất lượng gắn mác hàng Việt giống như vụ việc Khải Silk.

Các sản phẩm của Công ty Kym Việt đều được chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Anh Lê Việt Cường Giám đốc Công ty Kym Việt cho biết: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ handmad của Công ty do người khuyết tật làm, chất lượng rất tốt, nhưng lại bị cạnh tranh bởi các sản phẩm thủ công khác trên thị trường có chất lượng kém. Khi Công ty Kym Việt được quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ tạo điều kiện cho mở 2 gian hàng bày bán tại phố đi bộ trên bờ hồ và phố Trịnh Công Sơn, khách du lịch biết đến sản phẩm và những câu chuyện đằng sau đó là những hoàn cảnh của người khuyết tật. Họ nhận thấy sản phẩm thật sự đẹp, chất lượng, nhiều người đã mua với số lượng khá lớn đã có lô hàng được xuất khẩu đi nước ngoài theo con đường du lịch. Như vậy, người tiêu dùng đang cần tìm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng chứ không phải những mặt hàng giá rẻ đang trôi nổi trên thị trường.

Bài và ảnh Hương Hồi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-lich-mua-sam-o-viet-nam-khoang-cach-kha-xa-voi-cac-nuoc-tren-the-gioi-323525.html