Tìm giải pháp chính sách để phát triển ngành giấy tại Việt Nam

Sáng ngày 16/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tổ chức Hội thảo cùng các nhà làm chính sách để phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam.

Mở đầu hội nghị, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, ngành giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000-2007 và 16% vào giai đoạn 2007-2017. Hiện nay, ngành giấy có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuộc hội thảo cũng đưa ra nhiều thông tin thống kê quan trọng như: Phát triển thu gom giấy tái chế là một xu thế tất yếu trên thế giới để hạn chế tối đa việc khai thác gỗ làm bột giấy, ngoài ra các thông tin về tiềm năng phát triển của ngành giấy trong nước cũng rất chi tiết. Cụ thể là mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam hiện là 44 kg/người, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn (nhu cầu giấy tăng 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm); Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy/năm.

Nhiều ý kiến được đưa ra tại buổi hội thảo

Về phía đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng việc thu gom trong nước tỷ lệ thu hồi thấp, chưa tới 40% (trung bình thế giới là 56%, Nhật bản là 82%); người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn; chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy; chưa có tiêu chuẩn quốc gia về phân loại giấy thu hồi; việc thu gom chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa có hệ thống nên hiệu quả còn thấp, chi phí cao; lượng thu gom chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu sản xuất giấy tái chế. Ông cũng cho biết thêm, hiện tại Hiệp hội cũng đang hợp tác với nhiều đơn vị xử lý chất thải trong sản xuất giấy tái chế giấy để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm.

Theo chuyên gia phân tích chính sách TS Phạm Đình Thưởng thì cần tăng cường kiểm soát tuân thủ nhập khẩu giấy phế liệu, nghiên cứu các tạp chất trong giấy là bao nhiêu phần % từ đó có những chính sách cụ thể làm căn bằng lợi ích kinh tế, lợi doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo được môi trường trong sản xuất tái chế giấy đã qua sử dụng...

Anh Đức

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//tim-giai-phap-chinh-sach-de-phat-trien-nganh-giay-tai-viet-nam_n41970.html