Tìm giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề di cư tự do (bài 2)

Những năm qua, ngân sách Nhà nước đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng để bố trí, ổn định dân cư, nhưng tình trạng di cư tự do (DCTD) mới chỉ giảm chứ chưa chấm dứt hoàn toàn. Điều này cho thấy, để ngăn chặn được DCTD thì không chỉ chờ vào nguồn lực, mà còn cần những giải pháp căn cơ khác.

Bài 2: Chấm dứt di cư tự do không chỉ chờ vào nguồn lực

Nguồn lực “tiếp sức” quyết tâm

Theo đánh giá của Chính phủ, những năm qua, chương trình bố trí dân cư, giải quyết tình trạng DCTD đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, hàng chục nghìn hộ DCTD đã được bố trí, ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng DCTD.

Có được kết quả tích cực đó, trước hết là nhờ nguồn lực kịp thời từ ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2013-2020, 16.774 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn đầu tư các dự án thuộc khu kinh tế quốc phòng và các đề án bố trí dân cư đặc thù theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ) đã được bố trí để thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2006-2010, 4.500 tỷ đồng cũng đã được bố trí để ổn định dân DCTD theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg, ngày 10-6-2008...

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, các địa phương đã lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, như: Đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế... Đây được xem như là giải pháp căn cơ để người dân an tâm ở lại nơi ở cũ, chấm dứt tình trạng DCTD.

Nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu bức thiết để người dân ổn định cuộc sống tại nơi ở cũ. Trong ảnh: Hộ gia đình đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Củm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được hỗ trợ nước sinh hoạt. Ảnh: Tùng Nguyên

Nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu bức thiết để người dân ổn định cuộc sống tại nơi ở cũ. Trong ảnh: Hộ gia đình đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Củm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được hỗ trợ nước sinh hoạt. Ảnh: Tùng Nguyên

Điển hình là tỉnh Hà Giang, tình trạng DCTD ở địa phương này giảm rõ rệt là nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu ổn định đời sống của người dân. Đặc biệt, thực hiện Đề án quy tụ dân cư, giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã quy tụ được trên 6.000 hộ về nơi ở mới, có đất ở, nhà ở, có đất sản xuất...

Để giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho cư dân trên cao nguyên đá, trong 10 năm (2011-2020), Hà Giang đã đầu tư xây mới 115 hồ chứa nước sinh hoạt tập trung với dung tích trên 406.000m3, giải quyết cấp nước cho khoảng 56.000 người; giúp 7.038 hộ vay trên 613 tỷ đồng để các hộ vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ các hộ trồng trên 22.229ha cỏ đảm bảo thức ăn cho 287.518 con gia súc...

Cùng với Hà Giang, các địa phương khác cũng đã quyết tâm giải quyết các nhu cầu bức thiết trong sinh hoạt, sản xuất để người dân ổn cư tại chỗ. Quyết tâm đó của các cấp, ngành, địa phương được “tiếp sức” bởi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đáng chú ý nhất là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2011-2015, chương trình được bố trí 27.509 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 48.397 tỷ đồng để thực hiện, góp phần giảm nghèo trên tất cả các lĩnh vực.

“Lạt mềm buộc chặt”

Tình trạng DCTD trên cả nước đã giảm mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên, dự báo, DCTD sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp bởi hiện còn hàng trăm nghìn hộ gia đình vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhất là thiếu sinh kế, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá, nguyên nhân khiến mục tiêu ổn định dân cư chưa đạt là do nguồn lực bố trí còn thiếu so với nhu cầu. Trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020 về “Ổn định dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường”, Chính phủ cũng đã nhìn nhận, nguồn kinh phí cấp để thực hiện chương trình, dự án về bố trí ổn định dân DCTD mới đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu vốn được duyệt.

Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, chính sách hỗ trợ di dân (đặc biệt là di dân xen ghép) mặc dù đã được nhiều lần thay đổi quy định theo hướng điều chỉnh hỗ trợ cao hơn, nhưng mức hỗ trợ vẫn còn thấp (10 triệu đồng/hộ), chưa phù hợp với thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chương trình, dự án ổn định dân cư thực hiện dở dang, kéo dài nhiều năm.

Vì vậy, để chấm dứt tình trạng DCTD thì trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm và dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân DCTD trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bố trí dân cư; đặc biệt là chính sách cho các hộ dân DCTD là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo...

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân DCTD; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã DCTD (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân DCTD đủ điều kiện theo quy định; phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã DCTD (Trích Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020 của Chính phủ về “Ổn định dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường”).

Một giải pháp cũng cần được các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai là lồng ghép hiệu quả hơn nguồn vốn các chương trình, dự án để giải quyết các nhu cầu bức thiết, từ đó, ổn định dân cư tại chỗ. Từ năm 2021, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai đồng thời 3 chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Nguồn lực từ 3 chương trình MTQG này nếu được lồng ghép hiệu quả thì thực sự là “cú hích” để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó, chấm dứt hoàn toàn tình trạng DCTD.

Nhưng giải pháp quan trọng nhất cần được cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai một cách quyết liệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân. Trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020, Chính phủ cũng đã chỉ rõ, tình trạng DCTD chưa chấm dứt một phần là do công tác tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế, công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư ở một số địa phương chưa chặt chẽ...

Chính vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động là giải pháp đầu tiên được Chính phủ yêu cầu thực hiện trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020. Chỉ khi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, được nâng cao thì tình trạng DCTD mới thực sự chấm dứt.n

Tùng Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-giai-phap-can-co-de-giai-quyet-van-de-di-cu-tu-do-bai-2-post440637.html