Tìm giải pháp cải thiện chỉ số PCI

Trong số các chỉ tiêu thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội có lợi thế về các chỉ số thành phần như: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đào tạo lao động, kết cấu hạ tầng và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần như tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; chi phí khởi sự doanh nghiệp, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí không chính thức của DN của thành phố còn đạt thấp. Thành phố đang tập trung cải thiện những chỉ số còn thấp điểm, vừa phát huy những điều kiện có lợi thế để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới.

Doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Ðầu tư. Ảnh: Mạnh Khánh

Doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Ðầu tư. Ảnh: Mạnh Khánh

Trong số các chỉ tiêu thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội có lợi thế về các chỉ số thành phần như: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đào tạo lao động, kết cấu hạ tầng và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần như tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; chi phí khởi sự doanh nghiệp, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí không chính thức của DN của thành phố còn đạt thấp. Thành phố đang tập trung cải thiện những chỉ số còn thấp điểm, vừa phát huy những điều kiện có lợi thế để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện bao gồm 10 chỉ tiêu thành phần, tổng cộng 128 tiêu chí. Trước năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm nửa cuối bảng xếp hạng. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đã có nhiều bứt phá với bảy năm liền tăng hạng. Năm 2018 và năm 2019, chỉ số PCI của Hà Nội đứng thứ chín, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Trong số các chỉ tiêu thành phần PCI, Hà Nội có lợi thế và đạt điểm cao hơn về các chỉ số: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đào tạo lao động, kết cấu hạ tầng và thiết chế pháp lý... Tuy nhiên, Hà Nội cũng đối mặt với những thách thức trong cải thiện PCI, nhất là về tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; chi phí khởi sự doanh nghiệp, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước và chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Thành phố đang bị quá tải cả về cơ sở hạ tầng và quá tải về bộ máy hành chính do đội ngũ doanh nghiệp tập trung cao, trong khi biên chế và chức năng bộ máy công vụ vẫn như các nơi khác. Hà Nội là đô thị đất chật, người đông, giá bất động sản thuộc loại cao nhất cả nước. Vì vậy, thành phố không ưu tiên phát triển các ngành, nghề và hoạt động kinh doanh đòi hỏi nhiều lao động giản đơn, mặt bằng sản xuất và tạo nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức về đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ cấu kinh tế, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc; tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phòng, chống các tệ nạn và tội phạm các loại trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, quá trình cải thiện chỉ số PCI của Hà Nội cần một quá trình, vừa tập trung cải thiện những chỉ số còn thấp điểm, vừa phát huy những điều kiện có lợi thế nhất.

Trước mắt, thành phố cần phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, cần coi trọng nâng cao năng lực chính quyền điện tử và thành phố thông minh, cải thiện tính năng tiện ích thân thiện và hữu ích của trang thông tin điện tử (website) Hanoiportal và website của các sở, ngành, nhất là trong đăng ký kinh doanh, hải quan, quản lý đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin, các tài liệu pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời đăng tải trên website của các sở, ngành; chú trọng việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, có hướng dẫn rõ ràng phương thức hoàn chỉnh hồ sơ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhất là thái độ ứng xử của cán bộ công chức. Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời; qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng cần coi trọng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên. Tăng cường công tác thanh tra công vụ, tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình "Tổ công tác liên ngành" trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo; thanh lọc và thay thế các công chức thiếu trách nhiệm công vụ; phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, các đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.

Các cấp chính quyền cần tăng cường tần suất và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại doanh nghiệp - chính quyền. Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của thành phố; tăng cường liên kết với các địa phương cả nước, nhất là vùng Thủ đô, xem xét đề xuất mở rộng áp dụng Luật Thủ đô cho vùng Thủ đô về quy hoạch và cơ chế đầu tư hạ tầng; xây dựng và triển khai Ðề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể và cho từng ngành kinh tế, chuỗi sản phẩm chủ lực và khu vực doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn Thủ đô theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững; tăng cường khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và vi mô, đáp ứng tốt những thay đổi và yêu cầu của tình hình mới.

TS Nguyễn Minh Phong

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tim-giai-phap-cai-thien-chi-so-pci-627720/