Tìm đường xuất khẩu trái cây đặc sản

Một tấn nhãn chín muộn của huyện Hoài Ðức (Hà Nội) vừa được xuất khẩu vào thị trường Ô-xtrây-li-a. Dù số lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng đây là tin vui đối với các hộ nông dân trồng nhãn muộn nói riêng và đối với những hộ trồng cây ăn quả đặc sản nói chung ở Hà Nội.

Hà Nội có hơn 1.700 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước đạt 25 nghìn tấn; trong đó có khoảng 600 ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Ðức và rải rác ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Ðức, Ba Vì, Ðan Phượng… So với nhiều tỉnh khu vực phía bắc, diện tích trồng nhãn của Hà Nội không lớn, song những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngoài diện tích nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao, đạt từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm, thì còn nhiều diện tích trồng nhãn giống cũ sản xuất theo quy mô hộ gia đình và chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật, cần phải thay đổi phương pháp sản xuất, giống, kỹ thuật…

Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đặc sản này, từ năm 2016, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp Trung tâm Kiểm dịch thực vật I cấp hai mã vùng trồng nhãn chín muộn cho hai xã: Song Phương và An Thượng (huyện Hoài Ðức); năm 2019 bổ sung mã vùng trồng cho xã Ðại Thành (huyện Quốc Oai). Qua phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nhãn được quy hoạch, 100% mẫu quả đạt chuẩn. Nhờ đó, năm 2016, 5 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội đã xuất khẩu thành công sang Ma-lai-xi-a; năm 2018, 18 tấn nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một tấn sang thị trường Ba Lan…, mang lại hiệu quả kinh tế và doanh thu cao cho các hộ trồng nhãn và đơn vị xuất khẩu.

Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả và việc phát triển trồng cây ăn quả phù hợp với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, thành phố duy trì diện tích khoảng 17.500 ha cây ăn quả, trong đó có 9.000 ha trồng tập trung bốn loại cây ăn quả chủ lực, gồm: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn và chuối. Tuy vậy, việc phát triển cây ăn quả thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn do nông dân phát triển tự phát, không tập trung. Mặt khác, việc ứng dụng khoa học cũng còn một số hạn chế. Ðến nay, mới có 924,5 ha trồng cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao, cho nên giá trị và hiệu quả kinh tế chưa cao. Chưa kể một số loại cây như bưởi Diễn, cam Canh, được các hộ dân trồng ồ ạt tại nhiều nơi, khiến nhiều thời điểm các hộ nông dân rơi vào cảnh "được mùa, rớt giá".

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần rà soát, xác định các vùng sản xuất trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và bố trí quỹ đất; phối hợp các địa phương kiểm tra việc trồng, mở rộng diện tích theo quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với thực tế từng địa phương. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật, đồng bộ hóa trong trồng trọt, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả; nghiên cứu các biện pháp bảo quản trái cây, đáp ứng yêu cầu trồng rải vụ của nông dân; xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, để trái cây đặc sản của Hà Nội chinh phục được ngày càng nhiều khách hàng trong nước và vươn tới các thị trường xuất khẩu trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông nghiệp Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41543502-tim-duong-xuat-khau-trai-cay-dac-san.html