Tìm 'đường sống' cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tinh thần khởi nghiệp lên cao cũng là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại và tìm ra lời giải cho con số 90% doanh nghiệp khởi nghiệp 'chết yểu'. Th.S Nguyễn Văn Thức – Chuyên gia tư vấn kiểm soát về Tài chính - Thuế - Kế toán cho các doanh nghiệp đã gợi ý một cách giải bài toán khó này bằng 4 chữ: Phát huy, trọng dụng, phân phối và rủi ro.

Làm đâu cũng khó, cũng vướng

Đã có không ít người quyết định rời bỏ giới hạn an toàn của bản thân để bước vào thương trường, tuy nhiên nếu hành trang khởi nghiệp chỉ có ý tưởng kinh doanh thôi thì chưa đủ. Bên cạnh yếu tố mới lạ, đưa người dùng đến trải nghiệm mới... người khởi nghiệp cũng cần phải có một chiến lược cụ thể cho công cuộc định vị doanh nghiệp của mình trên thị trường.

“Hạn chế về năng lực nội tại” là cụm từ mà một số chuyên gia dùng để lí giải về nguyên nhân khiến phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp rơi vào tình trạng giải thể, ngưng hoạt động.

Theo thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong quý 3/2018 có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý 2/2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này chưa tính đến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Câu hỏi đặt ra là: Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ thất bại này, doanh nghiệp khởi nghiệp cần trang bị những gì?

Th.S Nguyễn Văn Thức – Chuyên gia tư vấn kiểm soát về Tài chính - Thuế - Kế toán cho các doanh nghiệp, Giảng viên cao cấp các khóa tại Học viện Doanh nhân Vân Nguyên Edubiz cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại phải quản trị, điều hành và gắn kết được những biến số như sản phẩm, tài chính, nhân sự, khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ, marketing.

Ông chỉ ra thực trạng, hiện nay chúng ta cứ hô hào khởi nghiệp nhưng ai là người hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ họ? Một vài đơn vị tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng chưa rõ nét, không quyết liệt, thời điểm không mang tính đồng hành và phù hợp.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp giống như một đứa trẻ. Nếu không làm mẫu, hướng dẫn, đồng hành, khích lệ thì làm sao họ phát triển được? Khi thành lập doanh nghiệp là lúc họ cưỡi lên con voi và phải giải quyết các vấn đề về sản phẩm, nhân sự, tài chính, marketing, thuế… Sau 3 – 5 năm, họ không điều khiển được con voi mà bị voi điều khiển khiến họ mệt mỏi và giải thể phá sản”, ông Thức nhấn mạnh.

Thêm vào đó, còn có một thực trạng nữa là giữa chính sách trên giấy với các chủ thể liên quan trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành. Dẫn tới doanh nghiệp làm đâu cũng khó, làm đâu cũng vướng. Đến khi có giấy phép kinh doanh có nghĩa là các cơ quan được quyền vào thanh kiểm tra và cứ sai thì phạt, doanh nghiệp phải nộp lại một phần thanh khoản. Đó là cái khổ của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp từng chia sẻ rằng: “Tôi đọc báo thấy thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đăng kí thành lập doanh nghiệp trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng nhưng chúng tôi đăng kí 3 lần vẫn bị trả lại mà không biết sai ở đâu và sửa như thế nào”.

Kinh doanh giỏi là kinh doanh con người

Doanh nghiệp cần quan tâm đến 3 yếu tố: doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền. Nếu lợi nhuận mỏng nhưng phủ rộng trên toàn quốc thì vẫn phát triển được. Dòng tiền nợ đọng ít nhất coi như thành công, nợ đọng nhiều thì thành lãi giả lỗ thật. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải đánh giá được thực trạng, nguồn lực, tiềm năng, định vị vị trí của mình rồi đo lường, đối chiếu, đoán xét, từ đó đánh giá và đưa ra giải pháp. Giải pháp dựa trên tiền đề nguồn lực của mình, chứ không phải áp dụng mô hình của người khác úp vào, vì mỗi người, mỗi doanh nghiệp có một nguồn lực tiền đề khác nhau. Nếu giải pháp vượt ra khỏi năng lực trước mắt thì họ không thể thực hiện được. Cho nên, yếu tố quan trọng nhất là tìm được giải pháp thực hiện được với từng cá thể và mô hình cụ thể.

Hiện nay, doanh nghiệp thường chịu 2 chi phí: cố định và biến đổi. Họ gặp khó ở chi phí cố định như thuê đất, nhà xưởng, nhân công, vốn vay ngân hàng… Nếu không có doanh thu thì chi phí này sẽ “bóp chết” doanh nghiệp. Vì vậy, họ phải làm sao để chi phí này thấp nhất có thể.

Theo ông Thức, nhiều người làm chủ doanh nghiệp nhưng thực chất lại là người làm thuê bởi phương trình kế toán tài sản và nguồn vốn. Trong nguồn vốn có 2 phần: nợ phải trả và vốn chủ. Thường vốn chủ chỉ 30%, còn 70% là nợ phải trả (gồm vốn vay, thuê đất, thuế, bảo hiểm…). Như vậy xét về phương trình tài sản và nguồn vốn thì ông chủ quản trị cái đó. Nguồn vốn là nợ phải trả. Lúc này, người chủ phải quay lại giải bài toán win win (đôi bên cùng có lợi – PV) cho các nguồn lực tham gia. Có nghĩa là nếu vay ngân hàng thì họ phải làm để trả lãi ngân hàng, thuê đất thì phải trả chi phí cố định đó. Do đó, anh là chủ nhưng lại phải làm để trả cho những nguồn lực đó và trở thành người đi làm thuê.

Muốn phát triển bền vững, người làm chủ phải giải được bài toán nguồn lực gồm 4 chữ: Phát huy (huy động nguồn lực để phát triển); Trọng dụng (hợp tác với con người và tôn trọng những quy luật dùng người. Dùng người mà không trọng thì con người như con trâu, họ sẽ không làm hết mình. Trọng mà không dụng thì khác gì búp bê); Phân phối (Trọng dụng xong thì phải phân phối đúng việc); Rủi ro (Làm gì cũng phải đề phòng rủi ro, phải đo lường và dự phòng).

“Nhiều ông chủ nghĩ, mình làm vua vì có nhiều tiền, có người chống lưng và có sản phẩm độc quyền. Thế nhưng, kinh doanh giỏi phải là kinh doanh con người và phải biết dùng nhiều người tài. Khi có nhân sự giỏi đứng đầu một bộ phận thì lập tức tạo cơ chế đào tạo vô hình nhân bản đội ngũ ở dưới và tự tạo cơ chế giám sát, cơ chế kéo. Một nhân sự giỏi mang lại lợi ích vô biên không đo lường hết được. Vì vậy, các ông chủ đừng làm vua nữa mà hãy làm nhà quản trị nguồn lực và giải quyết 4 chữ: phát huy, trọng dụng, phân phối và rủi ro”, ông Thức đúc kết.

Trí Nhân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tim-duong-song-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-d2058107.html