Tìm động lực tăng trưởng mới

Quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2 nền kinh tế đất nước (2016-2020) đã đi được nửa chặng đường với những điểm sáng: giữ ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng phục hồi ở mức cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Ðây cũng là giai đoạn nền kinh tế bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực khi tăng trưởng GDP không còn phụ thuộc chủ yếu vào gia tăng tín dụng và khai khoáng.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, nhiều chỉ tiêu có nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Số liệu sơ bộ do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) "đo" kết quả hai năm thực hiện tái cơ cấu cho thấy, Nghị quyết 27/2017/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Ðến nay, chỉ có 25,8% số nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Với diễn biến này, CIEM đánh giá chung, các mục tiêu có nguy cơ khó hoàn thành lên đến 41% trong khi mục tiêu có khả năng hoàn thành chỉ đạt khoảng 24%.

Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế là nhu cầu bức thiết nảy sinh từ việc chúng ta duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, mà thực chất là duy trì hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch. Nhưng đến nay, khi đã kết thúc quá trình tái cơ cấu 5 năm lần thứ nhất (2011-2015) và bước sang giai đoạn tái cơ cấu lần thứ hai, cách thức sắp xếp nguồn lực vẫn chưa có sự thay đổi, chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy quan trọng của nền kinh tế còn chuyển dịch chậm như từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ nông thôn sang thành thị,… Vấn đề cấp bách và đáng lo ngại hiện nay là các động lực tăng trưởng hiện đã tới hạn và đang suy giảm năng lượng nội sinh. Như ở ngành công thương - một trong những trụ cột của tăng trưởng, cũng đang gặp khó khăn khi tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp và thương mại. Cụ thể, một số khu vực tăng trưởng chạm trần và khó có khả năng tăng thêm, bởi những động lực tăng trưởng dựa vào khai thác dầu khí, khai thác than hay đóng góp của các dự án Samsung, Formosa, kiều hối,… đã được tận dụng tối đa, không còn dư địa bứt phá như những năm trước. Nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước thì việc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho những năm tiếp theo, các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã đặt ra nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và nhất là bảo đảm tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi nguồn lực từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng hiệu quả,... Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển cùng lúc trên hai dòng chuyển động là kinh tế thị trường và kinh tế số. Ðây là cơ hội "ngàn năm có một" để nước ta tận dụng tốt ưu việt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp các nước trong khu vực. Do đó, cần có các nghiên cứu chuẩn bị, đề xuất mới phù hợp cho giai đoạn 2021- 2030 và giai đoạn tiếp theo, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thực chất với các kế hoạch, chương trình chiến lược cụ thể.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37619102-tim-dong-luc-tang-truong-moi.html