Tìm đến Thủ phủ ẩm thực mới của Việt Nam

Đến với Hội An, du khách không chỉ được tản bộ trong khu phố cổ yên bình, mà còn được khám phá những nét độc đáo, tinh túy của nghệ thuật ẩm thực.

Hình ảnh mọi người xếp hàng dài chờ mua một ổ bánh mì Bà Phượng đã không còn xa lạ với người dân và du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, sau khi món bánh mì Bà Phượng được đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony, người đã cùng Tổng thống Obama ăn bún chả Hà Nội, gọi là bánh mì ngon nhất thế giới, thì nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách mỗi lần đến Hội An.

Du khách xếp hàng mua bánh mì Phượng.

Bạn Trần Thị Thu Trang, một du khách xếp hàng chờ mua bánh mì ở đây chia sẻ: "Em đã đi du lịch ở Hội An rất nhiều lần rồi. Em thấy thích những những món ăn ở đó, ví dụ như mì Quảng, Cao lầu... nhưng mà em thích nhất là món bánh mì ở quán Bà Phượng. Vì hương vị bánh mì ở đó rất đặc biệt, quán cũng rất đông. Đã có nhiều lần em phải xếp hàng đến nửa tiếng đồng hồ mới mua được một ổ bánh mì".

Khi chưa được thưởng thức bánh mì Phượng coi như chưa đến Hội An.

Không chỉ có bánh mì bà Phượng, Hội An còn sở hữu hàng loạt những món ngon nức tiếng như cao lầu, cơm gà, hến xào, chè bắp, bánh đập, bánh mì… Những cái tên đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Hội An.

Sự phong phú, độc đáo của ẩm thực Hội An không chỉ hấp dẫn du khách mà còn quyến rũ cả những chuyên gia ẩm thực hàng đầu thế giới, những đầu bếp nổi tiếng toàn cầu.

Đông khách là vậy nhưng chưa đến 2 phút khách đã có thể thưởng thức ổ bánh mì phố cổ.

Ông Thomas A.Gugler, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp thế giới đã hết lời ngợi khen về ẩm thực Hội An, trong đó ông thật sự ấn tượng với món Cao lầu. Theo ông, trong món ăn này có tổng hợp văn hóa của nhiều nước. Sợi mì hơi giống mì Udon của người Nhật Bản, thịt xá xíu có hương vị rất giống với Trung Quốc, hòa quyện với vị thơm của rau Trà Quế của Hội An tạo nên sự hài hòa của món ăn.

Ông Thomas A.Gugler, Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Thế giới chia sẻ về nét độc đáo ẩm thực Hội An.

Chính vì sự phong phú của ẩm thực Hội An mà Hiệp hội Đầu bếp Thế giới đã chọn đô thị cổ này tổ chức Hội thi Đầu bếp thế giới hàng năm. Ông Thomas cho rằng, Hội An có nhiều lợi thế để quảng bá du lịch nhưng ẩm thực nên là ưu tiên số 1.

Bánh mì Phượng- ổ bánh mì "ngon nhất thế giới".

"Hội An cần rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất là bảo tồn được văn hóa, truyền thống. Thứ hai là cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp và được sắp xếp một cách khoa học hơn, tinh tế hơn và sạch sẽ hơn.

Về ẩm thực thì Hội An mới đáp ứng được thị trường nhỏ và vừa. Còn để đáp ứng được thị trường cao cấp thì rất nhiều thứ cần phải làm. Đặc biệt phải đào tạo mang tính chuyên nghiệp hơn và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu"- ông Thomas cho biết.

Cao lầu cũng là món ăn cuốn hút du khách xa gần.

Là người con phố Hội, vốn đam mê ẩm thực, bà Trịnh Diễm Vy, Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, ngay từ bé đã say mê học hỏi, nghiên cứu những món ăn truyền thống của địa phương. Bà xây dựng nhiều nhà hàng, giới thiệu những món ăn đặc trưng của người Hội An tới du khách.

Năm 1996, bà là người đầu tiên ở Hội An mở lớp dạy nấu món Việt, thu hút rất đông du khách nước ngoài đến học. Sau này, khi trở thành một đầu bếp nổi tiếng, có dịp giao lưu với nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới, bà học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ ẩm thực các nước, qua đó quảng bá ẩm thực Hội An ra bạn bè quốc tế.

Gánh Cao lầu ven sông Hoài là nét văn hóa đặc trưng ở đô thị cổ.

Bà Vy cho biết: "Sản phẩm của Hội An được tất cả các nền văn hóa chấp nhận một cách dễ dàng. Trong văn hóa ẩm thực chia ra làm hai phần rõ ràng; một phần ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài và một phần văn hóa bản địa. Đặc biệt Hội An cả hai đều rất nổi, nhờ sự đa dạng trong sự giao lưu và thổ nhưỡng, tính chất khí hậu vùng miền, làm cho Hội An thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Mỳ Quảng là một trong những món ăn ưa thích của du khách thập phương khi đến Hội An.

Thế kỷ 17, 18, Hội An từng là một cảng thị nổi tiếng. Ở Hội An có người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật, Tàu, Pháp… Đây là cơ hội rất lớn cho người dân Hội An cũng như văn hóa Hội An giao thương, giao thoa rộng, từ đó văn hóa ẩm thực cũng có tính giao thoa rất lớn.

Chính vì vậy, ẩm thực của Hội An được tất cả các nền văn hóa chấp nhận một cách dễ dàng. Người Nhật cũng thấy một chút của họ, người Tàu cũng thấy một chút của họ, người Châu Âu cũng thấy một chút của họ.

Cao Lầu là món ăn ưa chuộng của du khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, nghệ thuật ẩm thực chứa những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi của điểm đến, góp phần gia tăng đáng kể giá trị chuyến đi, vì thế ẩm thực luôn tồn tại song hành cùng với ngành du lịch Hội An. Ông Sơn cho biết, sắp tới, Hội An sẽ tập trung phát triển văn hóa ẩm thực trở thành một sản phẩm độc đáo để thu hút du khách.

"Sắp tới Hội An phải quy được đầu mối về nguồn nguyên liệu. Tất cả nguồn nguyên liệu phải đảm bảo sạch, tươi và phải xác định được nguồn gốc. Do đó, chúng tôi đang hình thành Hiệp hội Đầu bếp của Hội An, từ đó kết nối với hiệp hội của ngư dân đánh cá và người trồng rau, nuôi gà, nuôi heo... để giảm bớt khâu trung gian, giúp cho người nông dân có thể bán được sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người chế biến, chứ không phải qua khâu trung gian"- ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Thực tế, ẩm thực Hội An hiện mới chỉ đáp ứng được thị trường nhỏ và vừa. Để đáp ứng thị trường cao cấp, ngoài việc bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống, thành phố Hội An cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ đầu bếp theo hướng chuyên nghiệp và quan trọng hơn là phải đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Có như vậy, ẩm thực Hội An mới thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách thập phương./.

PV/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/du-lich/tim-den-thu-phu-am-thuc-moi-cua-viet-nam-748621.vov