Tìm đâu lời sám hối trước những mất mát của dân

Vì tin rằng thiên tai nhân họa là các “cảnh báo của thiên tượng” nên mỗi khi đất nước có thiên tai, các vị vua ngày xưa tự trách rằng mình đã làm gì sai khiến thượng đế giáng họa xuống dân lành.

Sau đó họ lập đàn cầu nguyện, ăn chay hãm mình, thậm chí còn công bố chiếu thư trách tội mình, khiêm tốn nhận và sám hối lỗi lầm trước muôn họ.

Trận lũ lụt tại miền Trung vào trung tuần tháng 10 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản của người dân. Người dân không kịp chạy lũ là do mưa lớn cộng với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ ồ ạt.

Chủ tịch huyện Lê Ngọc Huấn nhấn mạnh việc đại diện thủy điện Hố Hô nói “xả đúng quy trình” là không thuyết phục. Bởi nguyên tắc xả lũ đầu tiên là phải thông báo trước hai ngày cho huyện, có văn bản nêu rõ mức xả. Ông Huấn cho biết: “Họ cất nước để chạy thủy điện, bình thường thì không xả, mưa to thì đổ xuống. Nghĩa là khi thiếu thì anh không cho, lúc người ta thừa thì anh xả, hạ lưu mưa như trút, ngập úng là đương nhiên” - theo VnExpress.

Như vậy đập thủy điện xả nước là yếu tố nhân tai trong tai họa này. Thế nhưng nói về vụ việc này, Tổng Cục phó Năng lượng Đỗ Đức Quân cho rằng: “Việc Nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong tình huống trận mưa vừa qua là chấp nhận được. Bởi nếu không làm vậy sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn hồ đập”.

Vậy ra việc bảo vệ sinh mạng người dân không quan trọng bằng sự “an toàn hồ đập” hay sao?

Sử sách ghi lại rằng vào mùa xuân tháng Giêng năm Ất Dậu (1825), kinh thành bị hạn hán. Vua Minh Mạng đã cho ra khỏi cung 100 cung nữ như một cách để có thể giải trừ thiên tai. Với một ông vua có tam cung, lục viện thì giảm bớt 100 cung nữ cũng không là nhiều nhưng nó nói lên cái thành ý của vua Minh Mạng trước lỗi lầm của mình khi đất nước có thiên tai.

Trận lụt ở miền Trung tuần qua không chỉ thiên tai mà còn cả nhân tai. Thế nhưng những người có trách nhiệm trực tiếp chẳng những không biết nhận trách nhiệm mà còn có những lời lẽ bao biện khó nghe. Dù những phát ngôn ấy là do lỡ lời hay thực tâm họ coi thường sinh mạng của dân thì cũng rất cần phải sám hối. Tuy nhiên, một khi mạng sống con người là thứ cao quý nhất mà còn bị xem rẻ thì trông mong một lời sám hối đương nhiên là không tưởng.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/tim-dau-loi-sam-hoi-truoc-nhung-mat-mat-cua-dan-660256.html