Tim của phi hành gia thu nhỏ 25% sau 1 năm sống trên vũ trụ

Sau quá trình sống gần 1 năm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), khoang lớn nhất trong tim của nhà du hành Scott Kelly đã bị thu nhỏ đến hơn 25%.

Ông Scott Kelly trong thời gian sống trên Trạm ISS. Ảnh: NYT

Ông Scott Kelly trong thời gian sống trên Trạm ISS. Ảnh: NYT

Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Circulation ngày 29/3, các nhà khoa học phát hiện trong 340 ngày ở trên vũ trụ, tim của ông Kelly đã bị giảm kích cỡ mặc dù ông vẫn chăm chỉ tập thể dục 6 ngày/tuần. May mắn, việc trái tim nhỏ đi dường như không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe của ông Kelly khi trở về Trái đất vào năm 2016.

Phát hiện này đã bổ sung thêm vào danh sách các loại biến đổi mà cơ thể con người phải trải qua trong môi trường lực hấp dẫn không ổn định. Các phi hành gia cũng có xu hướng bị phù đầu, bẹp nhãn cầu, co rút chân còn xương trở nên giòn hơn.

Theo tờ New York Times, Tiến sĩ Benjamin D. Levine, tác giả nghiên cứu và là giáo sư nội khoa tại Trung tâm Y tế Tây Nam thuộc Đại học Texas (Mỹ), cho biết: “Tim của ông Kelly đã biến đổi để thích nghi với điều kiện trọng lực giảm. Nó không hề bị rối loạn chức năng. Ông ấy vẫn khỏe mạnh”.

Nếu không có lực hấp dẫn, tim không cần bơm máu hết cỡ, và giống như bất kỳ cơ nào khác, nó sẽ bị biến đổi vì giảm cường độ hoạt động.

Đối với ông Scott Kelly, hiện tượng co hẹp lại vẫn xảy ra bất kể việc ông tập luyện thể dục đều đặn 6 ngày/tuần trên ISS. Chế độ này từng được chứng minh hiệu quả đối với việc giảm hiện tượng giòn xương và giảm cơ.

Sau 340 ngày ở trong không gian, trọng lượng tim của ông Kelly đã giảm khoảng 27%, từ 190 gram xuống còn 140 gram. Ông Kelly chia sẻ rằng cơ thể mình cũng trải qua một số thay đổi khác, chẳng hạn như bị mất xương, và những hiện tượng này hầu như đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, hiện tượng tim thu nhỏ có thể là mối quan tâm cho các sứ mệnh tới sao Hỏa trong tương lai. Dựa trên kinh nghiệm của ông Kelly và các phi hành gia khác trên ISS, Tiến sĩ Levine cho rằng những vị khách lên sao Hỏa sắp tới vẫn giữ được sức khỏe ổn định. Thế nhưng, vấn đề có thể phát sinh nghiêm trọng nếu một phi hành gia bị thương, bị ốm và không thể tập thể dục, hoặc nếu thiết bị tập thể dục bị hư hỏng. Với những trái tim yếu ớt hơn, họ có thể bị choáng váng, ngất xỉu khi bước chân lên hành tinh đỏ sau nhiều tháng du hành trong môi trường không trọng lượng.

Vận động viên bơi lội Benoit Lecomte. Ảnh: CNN

Trong nghiên cứu, ông Levine cùng đồng nghiệp đã so sánh tim của nhà du hành Scot Kelly với tim của vận động viên bơi lội đường dài Benoit Lecomte, khi ông từng cố bơi xuyên qua Thái Bình Dương năm 2018.

Sự nổi trên mặt nước gây tác động đối với cơ thể giống như môi trường không trọng lượng. Vận động viên Lecomte dành hầu hết thời gian trong ngày ở tư thế nằm ngang: 8 giờ bơi lội và 8 giờ ngủ trên thuyền hỗ trợ.

Các nhà khoa học nghĩ rằng những giờ bơi lội kéo dài sẽ đủ vất vả để duy trì kích cỡ trái tim của ông Lecomte. Nhưng thay vào đó, nó thu nhỏ lại với tốc độ gần nhanh bằng thời gian của ông Kelly trong không gian.

Sau hơn 159 ngày, vận động viên Lecomte đã phải từ bỏ kế hoạch sau khi bơi được 2/3 chặng đường dài 5.650 dặm theo dự tính ban đầu vì thuyền bị một trận bão phá hủy. Qua siêu âm, người ta phát hiện tâm thất trái của ông đã nhẹ đi khoảng 28 gram. Tâm thất trái là khoang lớn nhất và mạnh nhất của tim, làm nhiệm vụ bơm máu đến động mạch chủ và đi khắp cơ thể.

Tiến sĩ Levine bày tỏ sự bất ngờ khi biết được kết quả. “Tôi vốn nghĩ tim của ông ta sẽ to lên. Đó là khối lượng tập luyện rất lớn”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Benoit Lecomte ước tính nhịp tim của mình có thể ở dưới 100 trong lúc bơi lội, đồng thời mô tả cường độ hoạt động của việc bơi đường dài giống như đi bộ nhanh, hoặc chạy rất chậm.

Giờ đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có thể thiết kế các chương trình tập luyện tốt hơn cho các nhà du hành.

Trên không gian, ông Scott Kelly đã tập thể dục 6 ngày/tuần, 30 – 40 phút đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tập. Ngoài ra, ông cũng sử dụng một chiếc máy kháng lực để làm tạ nâng.

“Chế độ tập này khá vất vả. Tôi phải đẩy tạ khá khó khăn. Mức tạ chắc chắn nặng hơn mức tôi có thể nâng ở nhà”, ông Kelly, hiện đã nghỉ hưu tại NASA, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn.

Tiến sĩ Benjamin D. Levine cho biết còn một nghiên cứu khác để theo dõi tim của 13 nhà du hành trước và sau 6 tháng ở trên trạm vũ trụ. Nghiên cứu chưa được xuất bản này sẽ cung cấp lượng dữ liệu rộng lớn hơn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tim-cua-phi-hanh-gia-thu-nho-25-sau-1-nam-song-tren-vu-tru-20210330150832951.htm