Tìm 'cửa' cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng và logistics ở nước ngoài

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương Hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo 'Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ'.

Hội thảo nhằm mục đích giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường châu Âu – châu Mỹ, cũng như cung cấp thông tin về những chính sách hiện có để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội tham gia cung ứng dịch vụ tại các châu lục này.

Nhu cầu lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù sự tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt phân phối hàng hóa toàn cầu là rất lớn.

Theo báo cáo phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Cùng với việc gia nhập thị trường thì hoạt động dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng, mạng cung ứng kỹ thuật số vừa là điều kiện, vừa là cơ hội.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Việt Nam phải tạo dựng lợi thế cạnh tranh từ việc đưa sản phẩm ra thị trường nhanh và rẻ hơn với chất lượng dịch vụ cao hơn. Nhu cầu về phát triển chuỗi dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giao lưu văn hóa cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.

Thực tế, hiện đa số doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mặc dù tiềm năng lớn nhưng ngành logistics của Việt Nam phát triển chưa bài bản, bên cạnh đó, chi phí logistic của Việt Nam cũng xếp vào hàng cao nhất thế giới, chiếm khoảng 16-17%.

Châu Âu là một thị trường rất lớn, đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm khi làm ăn tại thị trường này. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết trong thời gian tới sẽ là cơ hội lớn không chỉ với các mặt hàng truyền thống mà còn mở rộng thêm nhiều ngành hàng khác của nước ta sang thị trường này. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng FTA để xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp cần lưu ý việc lựa chọn đối tác liên quan đến logistics.

Còn đối với thị trường Mỹ La tinh, tuy cũng là một thị trường tiềm năng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khai thác được nhiều vì nhiều trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa, cùng với trở lại về địa lý. Sắp tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi hiệp định CPTPP (trong đó có một số nước khu vực Mỹ La tinh) có hiệu lực. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã có FTA với Cuba, và tương lai có thế còn có FTA giữa khu vực ASEAN và Mỹ La tinh nữa. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tìm hiểu một cách bài bản để tránh những tổn thất về chi phí, ông Thành nhấn mạnh.

Giải pháp tổng thể

Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, để khuyến khích vận chuyển đa phương thức và xử lý hàng hóa, cần hỗ trợ một Trung tâm logistics bằng nhiều phương thức vận chuyển, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải như dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ.

Từ bài học kinh nghiệm của các nước lớn, Việt Nam cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho nó trong hàng chục năm tới như thế nào. Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu để thu hút đầu tư..., ông Thành khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Tạ Hoàng Linh, điều quan trọng là trung tâm logistics phải được quản lý như một cơ quan pháp lý duy nhất và trung lập, phải đảm bảo sự hợp tác đồng bộ và hợp tác thương mại. Cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, nhất là các khâu kiểm tra chuyên môn, chuyên ngành.

Bên cạnh đó, một trung tâm logistics phải đạt được các tiêu chuẩn và hiệu suất chất lượng tương đương của châu Âu để cung cấp các giải pháp vận chuyển thương mại mang tính toàn cầu và phát triển bền vững, ông Linh nhấn mạnh.

Nguyễn Hường - Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-cua-cho-doanh-nghiep-noi-tham-gia-chuoi-cung-ung-va-logistics-o-nuoc-ngoai-113693.html