Tìm công cụ chặn video xấu, độc trên YouTube

Ngày 25-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, tập trung vào YouTube.

Ông Hùng nhìn nhận luật pháp hiện có độ trễ so với sự phát triển trên không gian mạng. Do vậy, giữ cho không gian mạng "sạch" là nhiệm vụ rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết: "Tỉ lệ video có nội dung xấu, độc được sản xuất tại Việt Nam rất cao. Bên YouTube cũng đã phối hợp gỡ bỏ nhưng vẫn còn thụ động, chỉ mới dừng lại ở việc gỡ từng video, không gỡ nguyên kênh vi phạm. Một năm gần đây, YouTube chỉ gỡ khoảng 8.000/55.000 video vi phạm pháp luật".

Theo ông Lâm, cơ chế kiểm duyệt video xấu độc là hậu kiểm nhưng việc kiểm tra, gỡ bỏ rất mất thời gian. Ông Lâm lấy dẫn chứng về kênh YouTube "Khá Bảnh" vi phạm bị gỡ bỏ hoàn toàn, nhưng các video trước đó được đăng trên kênh này đã bị những tài khoản khác lấy lại để đăng tải kiếm tiền nên không xử lý được tận gốc.

Tỉ lệ video có nội dung xấu, độc được sản xuất tại Việt Nam chiếm tỉ lệ rất cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tỉ lệ video có nội dung xấu, độc được sản xuất tại Việt Nam chiếm tỉ lệ rất cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ TT-TT cũng nhìn nhận luật pháp quy định nếu khai thác quảng cáo trên các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thì phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều khách hàng tự mua quảng cáo với YouTube, thanh toán bằng thẻ Visa, nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều nhãn hàng lớn ký hợp tác quảng cáo qua các doanh nghiệp trung gian nhưng việc kiểm soát để nội dung không xuất hiện trên video xấu, độc chưa hiệu quả.

Đại diện Bộ Công an thừa nhận việc gỡ bỏ video xấu, độc hiện gặp khó khi thống nhất với Google về nội dung thế nào là xấu, độc. Ngoài ra, việc tái tạo các video xấu, độc diễn ra hằng ngày, thậm chí hôm sau nhiều hơn hôm trước nên không thể xóa bỏ triệt để.

Sau khi nghe đại diện các bên liên quan trình bày thực trạng các video xấu, độc trên YouTube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề về việc xây dựng công cụ để lọc các video xấu, độc trên YouTube. Trả lời vấn đề Bộ trưởng Hùng đặt ra, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VC Corp - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cho rằng điều này là không dễ, thậm chí không khả thi. Theo ông Tân, để sàng lọc được video xấu, độc thì chính YouTube phải thực hiện.

Đại diện một doanh nghiệp đề xuất biện pháp là phải quản lý người sản xuất nội dung ở Việt Nam. Theo vị này, cần có chế tài nghiêm khắc, thậm chí là hình phạt tù đối với những người sản xuất các nội dung xấu, độc để răn đe những đối tượng khác. Một số đại biểu tham dự buổi làm việc cũng đồng tình quan điểm này nhưng họ cho rằng cần phải có sự phối hợp từ Google, YouTube để cung cấp thông tin về chủ sở hữu các kênh YouTube.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới bộ sẽ tổ chức buổi làm việc bàn về việc tạo công cụ lọc các video có nội dung xấu, độc trên YouTube. "Chúng ta phải tự tạo ra công cụ đó, tự cứu lấy chúng ta chứ không thể chờ đợi lòng tốt của YouTube được" - Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định. Ông Hùng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là yêu cầu tất cả các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của các bên liên quan, đặc biệt trên không gian mạng. "Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp về pháp lý, kỹ thuật và kinh tế để kiểm soát các nền tảng xuyên biên giới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng này, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tim-cong-cu-chan-video-xau-doc-tren-youtube-20190625225517265.htm