Tìm cơ hội thúc đẩy kinh tế thời dịch bệnh

Dịch Covid-19 đã làm cho nền kinh tế thế giới vốn đã tăng trưởng chậm trong năm 2019 lại càng khó khăn hơn vào đầu năm 2020. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, việc đi lại, vận chuyển, nguồn cung hàng hóa đều chật vật. Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn hàng đầu thế giới như Việt Nam, dịch bệnh đang gây ra những tổn thương không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời có các đối sách thoát hiểm trong hiện tại để tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế khi dịch bệnh được khống chế.

Xoay xở, ứng phó với hiện tượng suy giảm

Tác động tồi tệ của dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới nằm ngoài mọi dự báo trước đây. Cuối năm 2019, các chuyên gia kinh tế mới chỉ xác định những khó khăn trong năm 2020, trong đó bao gồm suy giảm kinh tế toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, xu hướng bảo hộ mậu dịch và những yêu cầu khó khăn hơn từ người tiêu dùng toàn cầu trước những lo lắng về môi trường, biến đổi khí hậu và những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không chuyên gia, nhà kinh tế nào mảy may dự đoán được một dịch bệnh có quy mô lớn như vậy lại xuất hiện để cuốn cả nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy của sự suy giảm.

Khi Covid-19 bất ngờ tấn công nhanh, dữ dội vào công xưởng sản xuất của thế giới là Trung Quốc, lập tức nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Dịch bệnh khiến phần lớn nhà máy tại Trung Quốc tạm ngủ yên sau Tết Canh Tý. Nguồn cung nguyên liệu cho các nền sản xuất của thế giới và Việt Nam bỗng nhiên bị cắt đứt. Riêng nguồn cung vải của Trung Quốc bình thường chiếm tới 54% tổng sản lượng toàn cầu.

“Dịch Covid-19 có ảnh hưởng trầm trọng tới ngành dệt may Việt Nam trong quý I, thậm chí tới cả quý II-2020 do thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định. Theo ông Vũ Đức Giang, ngành hàng sản xuất thời trang thường ký hợp đồng trước khá lâu và các nhà mua hàng đã phê duyệt nguyên phụ liệu. Khi nguồn cung đã phê duyệt bị đình đốn như hiện nay thì các doanh nghiệp dệt may có muốn đổi nguồn cung để bảo đảm sản xuất đơn hàng cũng không làm ngay được. Việc tìm nguồn cung nguyên phụ liệu mới chỉ có thể là giải pháp trung hạn, dài hạn mà thôi. Do khó khăn, có những doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm của người lao động.

Đầu tháng 3-2020, các nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đã quay trở lại sản xuất, chỉ có điều sản lượng mới chỉ bằng 50% so với bình thường, do còn thiếu lực lượng lao động và một số yếu tố khó khăn khác.

Để có đủ nguyên liệu cho sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống thương vụ ở nước ngoài hoạt động hết công suất, tìm nguồn cung mới. Trong lúc này, để có đủ nguyên liệu, tạo việc làm, các doanh nghiệp phải xoay đủ mọi cách. Ví dụ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sản xuất khẩu trang phục vụ việc chống dịch Covid-19 ở nội địa và tìm hướng xuất khẩu. Khẩu trang vải là mặt hàng mà Vinatex làm chủ được nguyên liệu, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện trong nội bộ. Tuy nhiên, cho dù đẩy mạnh hoạt động sản xuất mặt hàng khẩu trang đủ để cung ứng cho thị trường toàn quốc trong thời gian có dịch thì cũng chỉ chiếm 10% năng lực sản xuất, có xuất khẩu thì cũng chỉ sử dụng tới 15%-20% năng lực sản xuất của Vinatex. Bên cạnh khẩu trang, Vinatex cũng sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa một số mặt hàng như sơ mi, quần âu, quần áo dệt kim, là những loại hàng mà tập đoàn chủ động sản xuất được nguyên liệu. Vinatex đang đẩy cao nhất công suất sản xuất vải của tất cả các nhà máy dệt trong tập đoàn để có thể bảo đảm thay thế một phần thiếu hụt nguyên liệu.

“Đây là giải pháp không có lợi về mặt tài chính, vì nguyên liệu sản xuất nội địa đang có quy mô nhỏ, giá thành hiện cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng Vinatex vẫn quyết định thực hiện để các nhà máy may không bị gián đoạn, người lao động có việc làm”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex khẳng định.

Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu mới chỉ là một khía cạnh, việc tổng cầu suy giảm quá nhanh cũng làm các doanh nghiệp trở tay không kịp. Các ngành liên quan tới dịch vụ, du lịch, vận tải như nhà hàng, khách sạn, hàng không... đều trong tình trạng rơi tự do. Trong thời buổi dịch bệnh hiện nay, người dân cũng ít quan tâm tới ăn mặc, giải trí, mà chủ yếu chỉ lo các hàng hóa bảo đảm sức khỏe, dinh dưỡng. Ngành hàng không được đánh giá là khó khăn nhất từ xưa tới nay, do khách đi ít nên có nhiều chuyến bay gần như không có khách, phải giảm mạnh số lượng chuyến bay. Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, tích lũy của hãng trong 4-5 năm qua đã bốc hơi vì dịch. Hãng đang thừa khoảng 30-40 máy bay. Việc tìm đối tác cho thuê máy bay cũng rất khó khăn.

 Thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong thời điểm chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn mua thực phẩm tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI

Thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong thời điểm chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn mua thực phẩm tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI

Ngành này khó khăn, ngành khác lại có cơ hội

Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn khô... đang là những mặt hàng có nhu cầu tăng cao, lượng hàng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trong hai tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 20%

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vissan cho hay, lượng hàng công ty cung cấp ra thị trường liên tục tăng trong tháng 1, tháng 2 và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tần suất mua và giá trị mua trên những đơn hàng của khách đều tăng. Đáng chú ý, các đơn hàng từ nước ngoài đối với thực phẩm hộp, thực phẩm khô đang tăng đến 50%. Một số thị trường có sức tiêu thụ lớn là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... Các mặt hàng phở ăn liền, bún ăn liền, mì ăn liền rất hút đơn đặt hàng từ nước ngoài. Theo đại diện Công ty thực phẩm Vifon thì do nguồn nguyên liệu hoàn toàn chủ động từ thị trường trong nước nên doanh nghiệp có thể đáp ứng được ngay. Do số lượng đặt hằng ngày càng tăng nên Vifon đang tăng số lượng đặt hàng nguyên liệu cho các tháng tiếp theo.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm nhìn chung đều tăng công suất khoảng 20%. Một số sản phẩm thì tăng đột biến. Các doanh nghiệp đều có nguồn nguyên, vật liệu dự trữ đủ cho sản xuất từ 3-6 tháng. Do 90% nguồn nguyên liệu là từ trong nước nên doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất.

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các dịch vụ thương mại trực tuyến dự báo sẽ phát triển và thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Theo cuộc khảo sát vừa được Infocus Mekong Research công bố, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, thực phẩm đóng hộp… là các ngành nghề được cho là hưởng lợi trong năm 2020 từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguyên nhân là do dịch khiến người tiêu dùng muốn tránh xa đám đông nhiều hơn, hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm và tìm tới các dịch vụ trực tuyến. Trang thương mại điện tử Lazada cho biết lượng đơn đặt hàng trực tuyến hằng tuần đã tăng tới 300% khi người dân đổ xô đi mua sắm trực tuyến và hạn chế ra ngoài do dịch Covid-19 bùng phát.

Giải pháp cho trước mắt và lâu dài

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị này nêu đồng bộ các giải pháp đối với các lĩnh vực gặp khó khăn. Trong đó, Chính phủ dự kiến sẽ có gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng đối với vốn vay ngân hàng và gói khoảng 30.000 tỷ đồng với các chính sách tài khóa. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng thêm 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế, thời gian gia hạn cho kỳ nộp thuế từ tháng 3 tới tháng 6-2020 thì việc gia hạn sẽ khiến số thu ngân sách nhà nước của các tháng này giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số thu của cả năm 2020 sẽ không giảm do doanh nghiệp sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 31-12-2020. Cũng theo tính toán thì nếu tiền thuê đất cũng được gia hạn thêm 5 tháng so với quy định hiện hành thì số tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng. Và các doanh nghiệp sẽ phải nộp vào ngân sách trước ngày 31-10-2020.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nội dung của chỉ thị đã nhìn nhận rất đúng các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, các giải pháp đưa ra cũng đúng hướng. Tuy nhiên, vấn đề là việc thực hiện các giải pháp trên ra sao, có đúng đối tượng không. Cùng với việc gia hạn, giãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thậm chí là miễn giảm thuế ở một số lĩnh vực thì doanh nghiệp cũng đang rất mong phí đường bộ cũng sẽ giảm. Thu phí, thu giá trên đường bộ hiện ở mức cao đang góp phần làm cho chi phí logistic của Việt Nam rất cao, ảnh hưởng tới chi phí doanh nghiệp, giảm cạnh tranh.

Với những rủi ro quá lớn vì phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng: “Thời gian tới, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ thay đổi, với quan điểm không phụ thuộc 100% vào một quốc gia hay khu vực cung ứng nào nữa, dù đó có là nơi sản xuất tốt nhất, giá thành thấp nhất. Với nơi cung ứng tốt nhất, cũng chỉ quy hoạch tỷ lệ cung ứng tới 60%, còn 40% dành cho các nơi cung ứng khác, để tạo sự cân bằng tốt hơn”.

Cơ hội tươi sáng từ chuyển dịch đầu tư nước ngoài

Dữ liệu phân tích quốc tế cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với mức hơn 7% của năm 2019. Kể cả năm nay, tăng trưởng có thể giảm xuống mức dưới 6% thì vẫn cao hơn phần lớn các quốc gia khác. Nhà đầu tư nhận thấy những sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế đang hướng về Việt Nam. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VAM) cho rằng, việc thông qua Hiệp định EVFTA sẽ có ảnh hưởng tính cực đến nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Các công ty Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, cùng một số vấn đề kinh tế chính trị trong khu vực. Đây là một xu hướng tất yếu và việc có dịch Covid-19 lại làm thúc đẩy quá trình này nhanh hơn. Nếu như Việt Nam sớm dập tắt được dịch bệnh thì đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất nhanh, bởi đây là một môi trường an toàn về dịch bệnh, cùng với việc có cơ chế chính sách ngày càng cởi mở.

Minh chứng cho xu thế này là Samsung Việt Nam vừa chính thức công bố về việc bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội, với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.

Năm 2020, nếu hết tháng 4, Việt Nam khống chế được dịch Covid-19 thì có thể sẽ tăng tốc phát triển kinh tế từ tháng 5, tháng 6. Qua chặng đường hẹp và gập ghềnh đầu năm, chúng ta sẽ tiến tới đường cao tốc.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-co-hoi-thuc-day-kinh-te-thoi-dich-benh-612060