Tìm cơ chế phát triển không gian sáng tạo

Mỗi năm, ở Hà Nội, các không gian sáng tạo (KGST) tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước. Nhưng theo các chuyên gia, tuổi thọ của các KGST chỉ từ 3 - 5 năm, số ít tồn tại sau 5 năm.

Để các KGST phát triển bền vững, Hà Nội đang từng bước gỡ vướng về cơ chế, thúc đẩy sự sáng tạo ở nhiều lĩnh vực.

Thành quả của sáng tạo

Hà Nội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các KGST. Trong đó, tại cuộc tọa đàm “Hợp tác công tư thúc đẩy sự phát triển KGST tại Hà Nội”, chủ Trung tâm âm nhạc và thể nghiệm Đom Đóm khoe về chiến tích suốt 7 năm qua. Đom Đóm - một trung tâm độc lập đầu tiên của Việt Nam, đóng trên địa bàn Hà Nội, đã cống hiến cho các hoạt động âm nhạc thể nghiệm và hợp tác với nhiều lĩnh vực nghệ thuật thể nghiệm khác.

Với sự đỡ đầu của nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhiều ý tưởng về nhạc và múa đương đại, thiết kế âm thanh hình ảnh động đã được thai nghén, đưa sản phẩm đến đông đảo công chúng.

 Không gian bích họa Phùng Hưng - địa điểm lý tưởng cho các chương trình sáng tạo nghệ thuật. Ảnh: Lại Tấn

Không gian bích họa Phùng Hưng - địa điểm lý tưởng cho các chương trình sáng tạo nghệ thuật. Ảnh: Lại Tấn

Khác với Trung tâm âm nhạc và thể nghiệm Đom Đóm, tính sáng tạo Thing Playgrounds – Nghĩ về sân chơi trong TP lại là thành quả 30 sân chơi cho trẻ em được biến đổi công năng từ khu giữ xe, sân tập thể bỏ hoang. Với việc tái chế các món đồ chơi, Thing Playgrounds đã tạo ra các không gian vui đùa sau các giờ học vất vả cho hàng trăm trẻ em TP, trong đó có Hà Nội. Và Thing Playgrounds sẽ không chỉ dừng lại ở con số 30, mà còn mong muốn mở rộng ra nhiều không gian ở nhiều địa bàn kế tiếp.

Đôi khi, sự sáng tạo lại được tạo ra nhờ chính bàn tay của những người khuyết tật, như trường hợp ở Hợp tác xã Vụn Art. “Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ nói “phải ủng hộ”, “phải giúp đỡ”. Như thế thì chúng tôi sẽ không đi xa được” – là phương châm mà Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường dành cho chất lượng của các sản phẩm sáng tạo.

Bức tranh sáng tạo của Hà Nội không chỉ dừng lại ở 2 - 3 mô hình đó mà đang sống động ở gần 200 mô hình lớn nhỏ khác nhau, góp phần nâng cao giá trị trong việc tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới.

Hết thời chạy 3 cửa xin phép

Trên thực tế, con đường sáng tạo không phải chỉ màu hồng. Nhiều chủ KGST đang kêu khó khi tổ chức một chương trình nhưng phải chạy 3 cửa xin phép. Chưa kể, cách tiếp nhận sáng tạo còn do suy nghĩ của từng người, từng đơn vị. Có nơi đánh giá chương trình là sáng tạo nhưng nơi khác lại cho là nhảm nhí. Chính vì vậy, các chủ KGST tư nhân mong muốn có sự thấu hiểu, hợp tác từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong buổi gặp gỡ, đối thoại giữa đại diện cơ quan quản lý của TP Hà Nội và chủ các KGST, các đơn vị như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội bày tỏ tinh thần sẵn sàng phối hợp thực hiện các chương trình sáng tạo với các đơn vị tư nhân. Công tác phối hợp có thể thực hiện theo 3 hình thức: Đặt hàng, cùng tổ chức hoặc hỗ trợ địa điểm. Với cách phối hợp này sẽ không chỉ hỗ trợ các chủ KGST về thủ tục cấp phép, mà còn cả về con người và kinh phí.

Mục đích cuối cùng là làm mới, hấp dẫn các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội. “Ngày nay, di sản phải sáng tạo mới có thể sống cùng thế giới được. Phải thay đổi quan niệm rằng di tích, di sản chỉ là nơi khép kín” – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu bày tỏ quan niệm cần hợp tác sáng tạo.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Ban quản lý phố cổ Hà Nội, một năm, Ban quản lý cần thực hiện rất nhiều chương trình ở không gian bích họa Phùng Hưng, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Hình thức tổ chức không thể chỉ đưa các nghệ nhân lên thực hiện biểu diễn làng nghề, mà cần kết hợp với các buổi nói chuyện của chuyên gia, trưng bày hình ảnh… mới có thể hấp dẫn công chúng. Trong khi cán bộ của Ban là nhà quản lý, tổ chức; chứ không phải nghệ sĩ. Chính vì vậy, Ban quản lý phố cổ luôn sẵn sàng chờ đón sự tham gia đóng góp trí tuệ sáng tạo của các đơn vị tư nhân.

Hà Nội luôn rộng cửa đón chào các chương trình và KGST. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung, mang tính kết nối còn là cả quá trình đối thoại, hợp tác. Có như vậy, KGST mới không mang tính nhỏ lẻ, mà mang tính kết nối, giúp Hà Nội là TP đáng sống hơn nữa, có bề dày văn hóa nhưng cũng đầy năng động.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tim-co-che-phat-trien-khong-gian-sang-tao-358722.html