Tìm chỗ đứng cho sản phẩm mây tre đan Triệu Đề

Người dân làng nghề mây tre đan Triệu Đề vẫn yêu nghề, quyết giữ nghề, luôn đam mê nâng niu hồn Việt với hy vọng giữ gìn giá trị truyền thống lâu đời.Cho dù các loại sản phẩm như nhôm, nhựa, inox... lên ngôi chiếm lĩnh thị trường với các mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng đã khiến các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc làm ra có nhiều lúc gặp không ít khó khăn trong tiếp cận và mở rộng thị trường, cạnh tranh về giá cả.

Ảnh minh họa: vinhphuctv.vn

Ảnh minh họa: vinhphuctv.vn

Cho dù các loại sản phẩm như nhôm, nhựa, inox... lên ngôi chiếm lĩnh thị trường với các mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng đã khiến các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lúc gặp không ít khó khăn trong tiếp cận và mở rộng thị trường, cạnh tranh về giá cả; thế nhưng người dân làng nghề mây tre đan Triệu Đề vẫn yêu nghề, quyết giữ nghề, luôn đam mê nâng niu hồn Việt với hy vọng giữ gìn giá trị truyền thống lâu đời. Đồng thời, tiếp tục phát triển nghề ông cha mạnh toàn diện, tạo nhiều sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường với mong ước mang lại cuộc sống ổn định cho các thế hệ con cháu hiện tại và mai sau... Đó là tâm sự của người dân làm nghề mây tre đan ở làng nghề này.

Chúng tôi đến làng nghề mây tre đan Triệu Đề vào một ngày đầu tháng 9/2020. Đây là thời điểm Thu nắng vàng rực rỡ bao phủ khắp trên các đồng lúa trĩu bông sắp vào mùa thu hoạch. Những hàng tre đan xen giữa muôn vàn cỏ cây xanh mát như những "lá phổi xanh", những chiếc ô khổng lồ bảo vệ người dân làng quê, làng nghề truyền thống. Ở Triệu Đề, người dân đang miệt mài lao động sớm tối để cho ra đời các sản phẩm như: nơm, đó, thúng, mẹt, nong, nia, sàng, rổ, rá... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân các tỉnh, thành. Về Triều Đề thời điểm này nhiều hộ gia đình chất đầy hàng ở sân hoặc hiên nhà.

Theo các cụ cao niên Triệu Đề kể lại, nghề mây tre đan ở địa bàn xã ra đời và phát triển cả trăm năm qua. Nghề mây tre đan không khó nhưng luôn đòi hỏi người làm nghề này phải có tính kiên trì, có đôi bàn tay khéo léo, đặc biệt sự sáng tạo luôn quyết định tạo ra những sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, tinh xảo thuyết phục người dân, nhất là khách hàng khó tính.

Ông Phạm Huy Hoạt, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết, toàn xã Triệu Đề có 12 thôn; trong đó, có 7 thôn làm nghề. Đó là: Kim Sơn, Yên Bình, Kim Tiến, Hương Ngãi, Đạo Nội, Hùng Sơn, Lam Sơn. Đây là nghề truyền thông có từ lâu đời và đến năm 2006, nghề truyền thống mây tre đan ở xã Triệu Đề đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề truyền thống.

Các làng nghề truyền thống ở Triệu đề hiện nay có hơn 700 hộ làm nghề với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập chưa cao nhưng đặc điểm của làng nghề này là thu hút được lao động nông nhàn, người già, trẻ em tham gia lao động tranh thủ trưa, tối và ngày nắng, lúc mưa vẫn làm được nghề, công việc không nặng nhọc, độc hại. Nguồn nguyên liêu liệu là khai thác tại chỗ và các xã lân cận..."Tre già thì măng lại mọc", nguyên liệu trong vùng được phát triển, khai thác hợp lý khá ổn định- ông Phạm Huy Hoạt, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề, thổ lộ.

Anh Triệu Văn Chiến ở thôn Hương Ngãi, người chuyên thu mua sản phẩm và bán cho các tiểu thương và tận tay người tiêu dùng cho hay: đã gần 25 năm anh làm nghề thu mua và tiêu thụ các loại sản phẩm mây tre đan của người dân xã Triệu Đề với mỗi tháng hàng nghìn sản phẩm các loại. Nhìn chung các sản phẩm các sản phẩm làng nghề giá rẻ, do đó ngày công lao động chưa cao, không ít thời điểm các sản phẩm khó tiêu thụ bởi sự lên ngôi của các mặt hàng cùng hình thù, kích thước nhưng bằng vật liệu nhôm, nhưa, inox... phát triển rất nhanh.

Tuy nhiên, chính phẩm mây tre đan giá rẻ và khá ổn định, sự đơn giản mộc mạc... đã khiến không ít người quay lại dùng sản phẩm vật liệu thuần tự nhiên này. Nhiều nhà hàng ăn, uống đã đặt mua hàng chục cái mẹt tre về làm mâm đặt thức ăn thay cho mâm nhôm, mâm đồng. Những chiếc nơm, đó, nong, nia, sàng, rổ, rá, quang gánh tre... còn được sử dụng như những tác phẩm trang trí, một tác phẩm nghệ thuật trong những ngôi nhà gỗ, nhà sàn, thậm trí cả những nhà hàng hiện đại sang trọng, sản phẩm mây tre còn được các chàng trai, cô gái mua làm vật kỷ niệm.

Có thể nói, các sản phẩm mây tre đan vẫn có "đất sống" và sẽ phát triển mạnh mẽ nếu được coi trọng tính thậm mỹ, chất lượng vì lâu nay nó luôn nằm trong tâm trí, ký ức của người dân từ vùng thôn quê đến các thành thị, đặc biệt nó là hồn Việt với vật liệu hoàn toàn tự nhiên là mây, tre, mai...

Theo anh Lưu Cao Ánh và chị Triệu Thị Sen ở thôn Hương Ngãi, nghề mây tre đan người làm bất cứ sản phẩm nào cũng phải chăm chỉ, cần mẫn. Nếu chịu khó, một người có thể làm được từ 3 - 5 sản phẩm mỗi ngày. Sản phẩm càng đẹp, chất lượng cao càng có giá trị và dễ bán vì hiện nay rất nhiều người quan tâm đến tính thẩm mỹ, độ bền. Một chiếc nia đan bằng hoàn toàn bằng vật liệu cật tre được sấy cẩn thận, có màu vàng óng thì giá 60.000 đến 80.000 đồng/chiếc, cao gấp đôi sản phẩm nia cùng kích cỡ bằng vật liệu thường.

Để các sản phẩm mây tre đan bền đẹp hơn, hiện nay nhiều hộ làm nghề đã làm lò sấy và tạo màu cho sản phẩm bằng khói củi tre, gỗ và việc vận hành lò đốt cũng để giải phóng vật liệu mây, tre vụn vặt để hạn chế thải các chất thải từ vật liệu làm nghề ra bên ngoài môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Để làng nghề ổn định và phát triển, những năm gần đây, các ngành chức năng ở địa phương đã mở các lớp tập huấn và đào tạo ngắn hạn cho người dân làng nghề, cử cán bộ đi học những lớp mây tre đan xuất khẩu...

Nghề mây tre đan ở Triệu Đề, huyện Lập Thạch có những lúc thăng trầm nhưng có thể nói việc giữ gìn, nỗ lực phát triển nghề này trong nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vào dịp nông nhàn và mang lại nguồn thu nhập hiện tại ổn định, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Hiện, người dân làm nghề đan lát Triệu Đề hy vọng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống lại đến thời kỳ hưng thịnh, sản phẩm tiếp tục được đến đông đảo người tiêu dùng nhiều hơn. Sản phẩm làng nghề làm ra không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt và lao động mà còn nâng cấp trở thành các sản phẩm mỹ nghệ...mang hồn Việt...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-cho-dung-cho-san-pham-may-tre-dan-trieu-de-20200913121715936.htm