Tìm chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Trong bối cảnh các chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ trong bà con thì việc thúc đẩy khởi nghiệp được coi là giải pháp hiệu quả nhằm khai thác thế mạnh vốn có của khu vực này, đồng thời, tạo động lực để đồng bào vươn lên làm giàu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đồng bào DTTS mạnh dạn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng động viên một bạn trẻ DTTS đang khẳng định mình trên con đường khởi nghiệp. Ảnh: Bích Nguyên

Câu hỏi trên đã phần nào được giải đáp tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp vùng DTTS và miền núi: Từ chính sách đến thực tiễn cuộc sống”, vừa được tổ chức tại Hà Nội. Các diễn giả đến từ Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ngân hàng Chính sách, lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã thẳng thắn chia sẻ về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội để thúc đẩy đồng bào DTTS khởi nghiệp.

Hãy khai thác tiềm năng vốn có

Trên cơ sở khảo sát thực tế tại vùng DTTS, ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT về hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào DTTS cho rằng, vùng DTTS và miền núi chiếm ¾ diện tích đất nước, có nhiều tiềm năng để khởi nghiệp. “Chúng tôi nhìn thấy khía cạnh rất tích cực của vùng DTTS và miền núi, đó là có nhiều tiềm năng và thế mạnh, chứ không đơn thuần là vùng có nhiều thách thức và khó khăn” - Ông Quân nói. Các yếu tố thuận lợi để đồng bào DTTS khởi nghiệp bao gồm: Tiềm năng văn hóa đa dạng, độc đáo; có thị trường lớn cho các mặt hàng nông sản và các sản phẩm nghề truyền thống; cùng với đó là hệ thống chính sách ưu đãi.

Thực tế các mô hình khởi nghiệp thành công ở vùng DTTS cho thấy, việc phát huy tiềm năng nội lực sẵn có, đặc trưng văn hóa riêng có của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất chính là “chìa khóa”, là hướng đi khởi nghiệp đúng đắn nhất cho đồng bào DTTS. Kinh doanh văn hóa đặc thù mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả lớn cho đồng bào. Cụ thể, việc kinh doanh đặc trưng văn hóa giúp đồng bào bảo vệ và phát huy được di sản văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, người tiêu dùng đang hướng tới sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ vùng DTTS và miền núi, đã tạo ra một thị trường rộng lớn cho người DTTS khởi sự kinh doanh.

Tuy nhiên, vùng DTTS vẫn gặp khó khăn trong khởi nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế trong tiếp cận thị trường và hệ thống chính sách. Hiện có 153 quy định, quyết định từ Trung ương đến địa phương có chính sách tương đối cụ thể hỗ trợ vùng đồng bào DTTS nhưng không phải ai cũng tiếp cận được. Ông Quân cho rằng, việc có tiếp cận được với chính sách hay không là vấn đề phức tạp không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế chính sách, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xung quanh, kể cả môi trường khởi nghiệp, định hướng khởi nghiệp và cả truyền cảm hứng, đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cho cộng đồng để khởi nghiệp.

Theo ông Quân, Nhà nước có vai trò là bà đỡ trong việc hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS. Tức là khi ý tưởng khởi nghiệp đó được hình thành, Nhà nước sẽ đứng bên cạnh và tìm cách hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp đó được phát triển và đi vào vận hành. Để đồng bào mạnh dạn khai thác, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, tháng 10-2016, UBDT đã thành lập Tổ công tác 569 để kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ, xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào DTTS. Tổ công tác đã triển khai một số hoạt động đáp ứng được yêu cầu thực tế của đồng bào DTTS về khởi nghiệp cũng như khởi sự kinh doanh. Hoạt động đáng kể nhất là khảo sát, đánh giá được nhu cầu khởi nghiệp của đồng bào.

Tổ công tác cũng thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo UBDT tổ chức các diễn đàn kết nối về hỗ trợ khởi nghiệp và tuyên dương, khích lệ các tấm gương khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho các cộng đồng DTTS. “Chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp dựa vào chuỗi giá trị ở vùng DTTS và miền núi. Tôi hy vọng đây là một hoạt động tạo ra được phong trào khởi nghiệp và giá trị hữu ích với cộng đồng DTTS” - Ông Quân cho hay.

Các sản phẩm bản địa có nguồn gốc tự nhiên được coi là lợi thế và tiềm năng lớn để đồng bào DTTS khởi nghiệp. Ảnh: Bích Nguyên

Nên có quỹ khởi nghiệp

Ngoài yếu tố thị trường và hệ thống chính sách, theo phân tích của các chuyên gia và chính những người DTTS đã và đang khởi nghiệp, việc tiếp cận vốn và kỹ năng quản trị ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả khởi nghiệp. Đây cũng là điểm yếu và thách thức lớn nhất với những người bắt đầu khởi sự kinh doanh.

Ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết: Khó khăn hiện nay Hoàng Su Phì là nhận thức của người dân còn hạn chế, hiểu biết về vấn đề khởi nghiệp chưa rõ ràng. Giao thông đi đến Hoàng Su Phì còn khá gập ghềnh, bà con bắt tay vào sản xuất vẫn còn băn khoăn về vấn đề đầu ra cho nông sản... Thêm vào đó, vốn hỗ trợ khởi nghiệp vẫn là khó khăn lớn đối với các bạn trẻ vừa bắt đầu khởi sự kinh doanh. Ông phân tích sâu thêm: “Hiện có nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, nhưng chưa có chương trình cho vay dành riêng cho khởi nghiệp. Điều bà con cần hiện nay là hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản trị và kết nối thị trường”.

Theo ông Hà Việt Quân, cơ chế chính sách, sự quan tâm của Nhà nước và nguồn vốn là quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kết nối, truyền cảm hứng, cổ vũ tinh thần để đồng bào DTTS tin rằng mình có thể khởi nghiệp thành công. Không ai truyền cảm hứng tốt hơn cho các bạn thanh niên DTTS khởi nghiệp bằng chính các bạn DTTS.

Bàn sâu về vấn đề này, ông Quân cho hay, thời gian qua, UBDT đã thực hiện kết nối người DTTS có ý tưởng khởi nghiệp với các cố vấn, chuyên gia về khởi nghiệp. Kết nối với các đối tác quốc tế, các chuyên gia tổ chức nhiều lớp, đào tạo, tập huấn.

Bên cạnh đó, UBDT cũng thực hiện kết nối đồng bào DTTS khởi nghiệp với nhau và kết nối với thị trường là các siêu thị, tập đoàn phân phối lớn. Năm 2017, UBDT tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp về thông tin, kiến thức quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong năm 2018 và 2019, UBDT sẽ tập trung hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp DTTS ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, sắp tới sẽ tăng cường nguồn vốn cho khởi nghiệp. Ông cũng đề xuất triển khai một nguồn vốn riêng dành cho “Quỹ khởi nghiệp”.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tim-chia-khoa-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khoi-nghiep/