Tìm chìa khóa giải quyết tranh chấp lao động

Trong hai ngày 15 - 16/7, tại Quảng Ninh, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi về thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.

Giải quyết tranh chấp lao động là một nội dung trong Bộ luật Lao động sửa đổi được dư luận xã hội quan tâm (ảnh nguồn ILO)

Giải quyết tranh chấp lao động là một nội dung trong Bộ luật Lao động sửa đổi được dư luận xã hội quan tâm (ảnh nguồn ILO)

Hội thảo tham vấn có sự phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với chủ đề chính là những nội dung sửa đổi, bổ sung về Thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động, đình công…

Lựa chọn mô hình phù hợp

Thông tin về tiến độ và kế hoạch xây dựng Bộ Luật lao động sửa đổi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Đây là đạo luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp nên rất được dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Các ý kiến thảo luận tập trung vào 6 vấn đề Chính phủ xin ý kiến, bao gồm: mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ; vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu; vấn đề tổ chức đại diện người lao động; và một số nội dung khác về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… Do nội dung của dự thảo Bộ luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên quan hệ lao động và lợi ích chung của xã hội nên nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục tiến hành lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng chịu sự tác động của Bộ luật.

Đối với nội dung về thương lượng tập thể, những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được thiết kế trên cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động là tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trong bối cảnh đa tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với những sửa đổi về thương lượng tập thể là phải lựa chọn được mô hình thương lượng tập thể phù hợp với đặc điểm quan hệ lao động của Việt Nam; bảo đảm thương lượng tập thể là hình thức quan trọng nhất, đóng vai trò trung tâm trong việc điều chỉnh quan hệ lợi ích, trong đó có vấn đề tiền lương, góp phần thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương, theo đó, tiền lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp chủ yếu được xác lập thông qua thương lượng, thỏa thuận giữa các bên quan hệ lao động.

Những tranh chấp lao động mới, đòi hỏi các quy định giải quyết cần được sửa đổi một cách cơ bản (ảnh nguồn ILO)

Con đường độc đạo và khó khăn

Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp lao động – đình công: Quy trình giải quyết tranh chấp lao động hiện hành được thiết kế bao gồm nhiều bước bắt buộc theo trình tự, không qua được bước này thì không đi được bước tiếp theo. Quy trình này được một số ý kiến ví như một con đường độc đạo rất dài và khó khăn. Kết quả là hơn 20 năm qua, các bên quan hệ lao động đã không thể đi được trên con đường đó và họ đã tự tìm đường đi cho mình là “đình công tự phát” để giải quyết các vấn đề của mình.

Hội đồng trọng tài lao động theo Bộ luật lao động hiện hành đang được quy định chỉ có chức năng hòa giải lại các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sau bước hòa giải không thành của hòa giải viên lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế là trong suốt thời gian từ 1995 đến nay, Hội đồng trọng tài lao động chưa tiến hành được bất cứ hoạt động giải quyết tranh chấp lao động nào trong phạm vi cả nước, trong khi đây là phương thức giải quyết tranh chấp quan trọng, được sử dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Với thực tế trên và trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động dẫn đến xuất hiện những tranh chấp lao động mới, đòi hỏi các quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công cần được sửa đổi một cách cơ bản.

Theo kế hoạch, dự thảo Bộ luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào giữa tháng 8/2019; sau đó lấy ý kiến các Đoàn đại biểu quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2019 trước khi trình Quốc hội xem xét.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tim-chia-khoa-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-4019448-v.html