Tìm 'chất kết dính' cho liên kết chuỗi

Phát triển cụm, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu sẽ là một trong các nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (dự kiến vào cuối tháng 4 này).

Tạo chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp được cho xu hướng tất yếu quyết định sự thành công của sản phẩm nông nghiệp trong tương lai. Nhưng tìm và phát huy "chất kết dính" trong mối liên kết này vẫn đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Xã viên HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao) dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Nơm nớp lo bị “lật kèo”

Thực tế, chuỗi liên kết doanh nghiệp với nông dân hiện còn khá lỏng lẻo. Trao đổi với DĐDN, ông Hồ Cao Huy Bảo – Giám đốc điều hành Cty TNHH La Fresh Đà Lạt, cho biết, doanh nghiệp hiện đang bao tiêu 4 nông trường lớn của Đà Lạt với hàng trăm hộ nông dân liên kết trong chuỗi. Theo đó, nông dân từ các nông trại cung cấp nhiều loại trái cây như chanh leo, dâu, phúc bồn tử… cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mứt, nước hoa quả sang hai thị trường chủ lực là Mỹ và Hàn Quốc với thương hiệu của Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng mô hình thành công như La Fresh, bản thân doanh nghiệp này cũng không dễ dàng để xây dựng được chuỗi liên kết nói trên. Doanh nghiệp đã phải trải qua nhiều lần “vỡ” hợp đồng vì nguyên liệu từ các hộ dân chuyển về không đạt chuẩn, hoặc trường hợp nông dân không cung cấp đủ lượng nguyên liệu như yêu cầu. Mặc dù, doanh nghiệp đã phải tiến hành ký kết bao tiêu dài hạn với những yêu cầu cụ thể về hàm lượng chất bảo vệ thực vật trong hoa quả.

Còn bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Harris Freeman Việt Nam cho biết, để có sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng, Harris Freeman Việt Nam đã liên kết với nông dân nhiều địa phương trong cả nước tham gia vào các dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng, nông dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Họ thu hoạch xong nhưng trữ lại chờ giá cao mới bán, điều này khiến doanh nghiệp rất bị thụ động.

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Hải- Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cũng thẳng thắn nhận định: “Trường hợp nông dân “lật kèo” phá vỡ hợp đồng ký kết khi giá nông sản lên cao là khá phổ biến, họ không bán nông sản cho doanh nghiệp có thỏa thuận mà bán cho hệ thống tư thương”.
Trong khi đó, một số vụ “đổ vỡ” lại xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp. ‘Đã có nhiều trường hợp, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng đến kỳ thu hoạch lại không thu mua cho nông dân. Câu chuyện giá mía tụt dốc 850 đồng/kg nhưng nông dân vẫn “ế” mía của Hậu Giang là một ví dụ”, ông Hải cho biết.

Tìm “chất kết dính”

Ông Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP), thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng: Những quy định chưa phù hợp với thực tế đang dẫn tới doanh nghiệp đứng giữa một rừng quy định nhưng không biết áp dụng quy định nào.

Mặc dù, chúng ta đã có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp từ Nghị định 210/2013, nhưng ông Khôi cho rằng, bản thân Nghị định còn nhiều bất cập Chính phủ đang phải sửa đổi. Đặc biệt, vấn đề liên kết còn manh mún. Các địa phương sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, dẫn tới việc hợp đồng liên kết của người dân và doanh nghiệp cũng không được đảm bảo do hai trường hợp, nông dân không cung cấp đủ sản lượng và chất lượng nông dân đáp ứng không đúng chuẩn như doanh nghiệp yêu cầu.

Cùng với đó, định hướng quy hoạch của những vùng nguyên liệu lớn cũng thiếu ổn định. Mỗi tỉnh lại có một định hướng quy hoạch riêng, khi nhìn toàn vùng, thậm chí quy hoạch còn mâu thuẫn với nhau. Ví dụ tỉnh này đang sản xuất một sản phẩm nông sản cung đủ cầu, nhưng địa phương khác thấy hiệu quả nên cũng chuyển đổi sản xuất cùng sản phẩm, dẫn tới thừa cung.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị, để ràng buộc mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần phải phân định rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên. Với thực tế hiện nay thì mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là chất kết dính trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Bởi quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ có điều kiện được đầu tư được cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, theo Giám đốc CAP, đưa công nghệ quản lý chuỗi sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm và sản lượng sẽ giúp người nông dân giữ “chữ tín” với doanh nghiệp.

Ông Vũ Tuấn Việt – CEO CTCP Phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam: Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc

Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã có thể ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các sản phẩm như thịt heo, việc này đã được áp dụng trong miền nam và tới đây một số doanh nghiệp cũng sẽ áp dụng trong thủy sản, cây trồng. Nếu ta áp dụng blockchain vào việc này thì sẽ đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc được chính xác nhất, không xảy ra gian lận. Có được điều này bởi đặc tính của blockchain là không thể sửa đổi, không thể làm giả dữ liệu, đảm bảo an toàn hơn cho người sử dụng và minh bạch trong kinh doanh.

Ông Lê Xuân Luyện - Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT: Nâng cao vai trò hợp tác xã

Việc nông dân chưa tuân thủ hợp đồng với doanh nghiệp hiện khá phổ biến. Trong khi đó, vai trò hợp tác xã đứng ra liên kết với doanh nghiệp chưa đủ mạnh, chưa có tính thuyết phục nông dân làm theo, cũng do năng lực, hoạt động của nhiều hợp tác xã còn hạn chế.

Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới sự gắn kết bền vững giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp thông qua nâng cao vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Bởi doanh nghiệp không thể nào ký hợp đồng đơn lẻ với một vài nhà sản xuất là các hộ nông dân, hợp tác xã phải là tổ chức quy mô đại diện cho người dân. Đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới là một giải pháp tiên quyết giai đoạn tới.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tim-chat-ket-dinh-cho-lien-ket-chuoi-126176.html