Tìm cách trói chân 'robot sát thủ'

Đại diện hơn 120 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc lần thứ năm nhóm họp tại Geneva - Thụy Sĩ hôm 9-4 để bàn về các hệ thống vũ khí tự động (Laws), vốn bị mệnh danh là 'robot sát thủ'.

Một nhóm quốc gia không liên kết, dẫn đầu là Venezuela, kêu gọi thương thảo một đạo luật quốc tế mới để quản lý hoặc cấm "robot sát thủ" với lập luận "tất cả vũ khí, bao gồm các loại có chức năng tự động, phải được con người kiểm soát và giám sát trực tiếp mọi lúc".

Trước khi diễn ra hội nghị, Mỹ biện bạch rằng Laws có thể làm giảm nguy cơ dân thường thương vong trong chiến tranh. Tuy vậy, giới chuyên gia e ngại "robot sát thủ" không phân biệt được lính chiến và thường dân.

Xe tăng Armata T-14 của Nga có thể tự động bắn vào mục tiêuvà dự kiến hoàn toàn tự động trong tương lai gần Ảnh: REUTERS

Theo báo The Guardian (Anh), hiện chưa có loại vũ khí tự động hoàn toàn nhưng giới chức quân sự cao cấp thừa nhận chuyện sử dụng robot rộng rãi trong chiến tranh chỉ là vấn đề thời gian. Ít nhất 381 vũ khí tự động một phần và hệ thống robot quân sự đã được triển khai hoặc đang phát triển ở 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Pháp, Israel, Anh và Mỹ. Nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế cho thấy chi tiêu cho "robot sát thủ" trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, từ 91,5 tỉ USD vào năm 2016 lên 188 tỉ USD năm 2020, khiến loại vũ khí tự động hoàn toàn tiến gần đến hiện thực hơn.

Là quốc gia đi đầu trong phát triển Laws, Mỹ tuyên bố vũ khí tự động là nền tảng của kế hoạch hiện đại hóa quân đội và bảo đảm sự ưu việt về chiến lược trên toàn cầu. Điều đó đã kích thích các cường quốc quân sự khác gia tăng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và chế tạo robot, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Cụ thể, Anh đang phát triển các loại xe không người lái có thể được vũ khí hóa trong tương lai. Còn Nga tăng cường các loại phương tiện di chuyển không người lái, cả trên mặt đất lẫn trong không trung; giới bình luận cho rằng Nga xem đây là cách bù đắp cho sự yếu thế về vũ khí quy ước so với Mỹ.

Về phần mình, Mỹ hiện phát triển X-47B (máy bay không người lái có khả năng cất cánh và hạ cánh trong thời tiết khắc nghiệt), Sea Hunter (tàu chống ngầm tự động có thể ở trên biển nhiều tháng liền mà không ai trên tàu), Crusher (xe tăng tự động nặng 6 tấn di chuyển được trên những địa hình cực kỳ khó khăn và được quảng cáo là "dứt điểm gần như mọi nhiệm vụ")...

Lục San

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tim-cach-troi-chan-robot-sat-thu-20180410211428791.htm