Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho báo chí

Dịp 21-6, trò chuyện với người bạn đang công tác tại sở thông tin và truyền thông một tỉnh, tôi được anh chia sẻ: 'Công việc quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh hiện khá phức tạp vì một số phóng viên thường trú; phóng viên, nhân viên văn phòng đại diện cơ quan báo chí đóng trên địa bàn không những không được tòa soạn trả lương mà còn bị khoán doanh thu dẫn đến tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh…'.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2019, thực trạng này cũng được nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ. Đây là lo lắng, trăn trở của đông đảo những người làm báo cũng như các cơ quan quản lý báo chí.

Thành lập văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương rồi khoán doanh thu, nhiều trường hợp không trả lương, điều này đồng nghĩa với việc tòa soạn đã đẩy phóng viên, nhân viên vào con đường “làm kinh tế” chứ không phải làm báo chân chính. Trong số những phóng viên, nhân viên này, chắc chẳng ai muốn làm trái với danh dự, lương tâm, đạo đức nghề báo, nhưng nếu không tìm cách để có được những hợp đồng quảng cáo, thậm chí vòi vĩnh, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp-như dư luận phản ánh, thì lấy đâu doanh thu nộp về tòa soạn? Đó là một nghịch lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng nêu trên cần phải quản lý chặt các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương; chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhân viên; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, phải đồng thời làm được hai việc: Tờ báo phải thực sự hay, hấp dẫn bạn đọc và giải quyết thấu đáo vấn đề kinh tế báo chí. Một tờ báo có uy tín, nhiều tác phẩm hay, thu hút đông đảo bạn đọc thì tờ báo đó có thể “sống khỏe”. Thực tế đang có những tờ báo như vậy. Mặt khác, nước ta không có báo chí tư nhân. Cơ quan báo chí ở ta là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, là diễn đàn của nhân dân… nên trước hết và trên hết, báo chí phải là công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này hẳn nhiên không thể coi báo chí như một doanh nghiệp đơn thuần, chạy theo lợi nhuận kinh tế, cũng không thể để báo chí “tự chủ” về tài chính theo kiểu bỏ mặc, tòa soạn phải bằng mọi cách để kiếm tiền nuôi nhau, dẫn đến xa rời tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng. Muốn vậy, phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có cơ chế tài chính phù hợp, nhất là cơ chế hỗ trợ, đặt hàng báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Không nên để cơ chế tự chủ về tài chính là gánh nặng đối với mỗi cơ quan báo chí.

TRUNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tim-cach-thao-go-kho-khan-cho-bao-chi-624051