Tìm cách làm hiệu quả, sáng tạo giữa phi chính phủ nước ngoài và Việt Nam

Sáng 12/12, 'Hội nghị Quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài' đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO); đại diện các cơ quan tham gia cơ chế của Ủy ban; đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN), tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan hợp tác phát triển và các doanh nghiệp nước ngoài; đại diện các Bộ/ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu…

Các đại biểu dự Hội nghị

Sau các Hội nghị Quốc tế được tổ chức vào các năm 1992, 2003 và 2013, với chủ đề “Hợp tác phát triển, kết nối con người, hướng tới tương lai”, Hội nghị Quốc tế lần thứ IV được tổ chức nhằm đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN trong giai đoạn 2014-2019; chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác; thảo luận các ưu tiên và phương thức hợp tác của Việt Nam với các TCPCPNN và các đối tác phát triển giai đoạn tới.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn giữ chủ trương nhất quán trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức PCPNN, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực này góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước. Thành công của các hội nghị quốc tế trước đây đã thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN, đưa mối quan hệ này phát triển ngày càng mạnh mẽ. Những cam kết trong Hội nghị trước đã được thực hiện như: Xác định ưu tiên quốc gia trong từng lĩnh vực, địa bàn; khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân và các bên liên quan vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia; tăng cường giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN; nâng cao năng lực cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương của Việt Nam để tăng cường hiệu quả hợp tác.

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết: Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hòa bình và hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn.

Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN đã ghi nhận những thành tựu rất đáng khích lệ. Hơn 5 năm qua, bên cạnh việc góp phần vào công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam, các TCPCPNN đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Ông Bùi Thanh Sơn hy vọng các đại biểu dành thời gian, trí tuệ và tâm huyết của mình để trao đổi, thảo luận và chia sẻ những cách làm hiệu quả, sáng tạo thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên. Đồng thời, đóng góp những khuyến nghị cụ thể về cơ chế chính sách tạo ra bước đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN, hướng tới thực hiện thành công Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN giai đoạn 2019-2025, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga chia sẻ tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng hợp tác với các tổ chức PCPNN là một lĩnh vực rất quan trọng trong quan hệ đối ngoại nói chung và hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam nói riêng. Cùng với giá trị viện trợ và hiệu quả thiết thực của các chương trình, dự án, các TCPCPNN đã đem đến cho Việt Nam những kinh nghiệm quý báu về quản trị, đào tạo nguồn nhân lực. Các TCPCPNN cũng là những đại sứ giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bè bạn khắp năm châu.

Về phía Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để đem đến những hỗ trợ tốt nhất cho các TCPCPNN, từ thiết kế và thực hiện dự án, đến kết nối các TCPCPNN với đối tác địa phương, tổ chức các hoạt động vận động, kêu gọi viện trợ PCPNN cho người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, những người có hoàn cảnh khó khăn...

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới để đảm đương tốt chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, là cầu nối hiệu quả giữa các TCPCPNN với các đối tác Việt Nam. Chúng tôi luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của các TCPCPNN để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và tính bền vững của các dự án của các TCPCPNN ở Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân”, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu quốc tế

Theo báo cáo của Ủy ban tại Hội nghị, hiện nay, có khoảng 500 TCPCPNN đã đăng ký và hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ giải ngân xấp xỉ 300 triệu USD/năm. Hoạt động viện trợ của các TCPCPNN được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu như: Y tế; giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN đã ngày một trở nên bình đẳng, gắn bó và hiệu quả hơn, càng thể hiện rõ tính chân thành, cởi mở, hiệu quả và tin cậy lẫn nhau. Thông qua các chương trình/dự án thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực của mình tại Việt Nam, các TCPCPNN đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới. Đồng thời là nguồn lực có ý nghĩa đối với sự nghiệp giảm nghèo và phát triển bền vững ở Việt Nam trong đó có nhiều mô hình hiệu quả đã được các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương nghiên cứu nhân rộng.

Các đại biểu chia sẻ bên lề Hội nghị

Tại Hội nghị, Ủy ban cũng đã trình bày Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, Chương trình tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ PCPNN để thúc đẩy quan hệ của nhân dân Việt Nam của các nước trên thế giới, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ tham gia 6 Hội thảo chuyên đề được tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực nhận được sự quan tâm của các TCPCPNN, bao gồm: Giáo dục - Đào tạo và Giáo dục nghề nghiệp; y tế; hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài ngoài và TCPCPNN vì phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo.

Thùy Linh - Minh Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/khai-mac-hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-iv-tim-cach-lam-hieu-qua-sang-tao-giua-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-va-viet-nam-94563.html