Tìm cách giữ chân những người tham gia bảo hiểm xã hội

Nghị quyết số 28-NQ/TƯ đã đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Để thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH như trên, còn nhiều khó khăn và thách thức khi hàng năm số lượng người ra khỏi hệ thống BHXH vẫn còn rất cao, khoảng 600 nghìn người/năm.

Cần tuyên truyền cho người lao động hiểu được nhận BHXH một lần hay ở lại có lợi. Ảnh: XTv.

Gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2018, BHXH Việt Nam đã phấn đấu hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 14,3 triệu người, tăng trên 700.000 người so với năm 2017, tăng 5,3%. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhiều so với các năm trước. Đến nay, đã đạt được trên 300.000 người, tăng 83.000 người so với năm 2017. Đây là những kết quả nổi bật về mở rộng đối tượng tham gia BHXH của ngành BHXH trong năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong công tác BHXH như: Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn...

Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH đã đặt mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân. Đồng thời, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững…

Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ, mức hỗ trợ theo nhóm đối tượng tham gia. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng (tính theo chuẩn hộ nghèo thuộc khu vực nông thôn), cận nghèo được hỗ trợ 25% và 10% cho những người khác. Đây là mức hỗ trợ tối thiểu của ngân sách nhà nước.

“Tùy điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, có thể xem xét mức hỗ trợ nhiều hơn mức tối thiểu này. Số tiền hỗ trợ phụ thuộc vào thời gian tham gia, nhưng tối đa không quá 10 năm. Khi người tham gia BHXH tự nguyện đóng tiền phí bảo hiểm, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng cách trừ vào số tiền phải đóng, đó là quy định của Luật về mức hỗ trợ”, ông Hùng cho biết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để mở rộng được đối tượng tham gia BHXH, trước hết chúng ta cần giữ những người đã vào, hạn chế số người lĩnh BHXH một lần. Bởi theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 800.000 người tham gia vào hệ thống BHXH, tuy nhiên số người ra khỏi hệ thống là 600.000 người/năm, trong năm 2018, dự kiến có 660.000 người. Đây là vấn đề tác động rất cơ bản đến số lượng người tham gia BHXH.

Vì vậy, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tuyên truyền cho người lao động hiểu được nhận BHXH một lần hay ở lại có lợi. Nếu người lao động đóng đủ 15 năm nhưng không may mất thì vẫn được nhận 10 tháng lương cơ bản để mai táng và vẫn được bốn suất tuất thường cho bố mẹ hết tuổi lao động và con chưa thành niên cũng như được bảo hộ toàn bộ số tiền đó. Nếu không tham gia BHXH bắt buộc thì quay sang BHXH tự nguyện, khi đủ tuổi nghỉ hưu thì vẫn được lấy lương hưu. Mỗi năm người lao động đóng 2,64 tháng lương, nhưng khi về hưởng một lần thì chỉ được hai tháng lương, như vậy là người lao động mất 0,64 tháng lương. Tại sao người lao động không thấy được vấn đề này? Vì vậy, giải pháp đầu tiên là công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân hiểu được vấn đề này. Ngoài ra, chúng ta muốn hạn chế thì phải sử dụng các cơ chế, chính sách về pháp luật. Một là tăng quyền lợi cho người ở lại, hai là giảm quyền lợi nếu ra khỏi hệ thống.

Đặc biệt cần phải có giải pháp tại khu vực không chính thức (tức là lao động nông thôn, nông dân...). Trước đây, chúng ta có triển khai chương trình Bảo hiểm nông dân của tỉnh Nghệ An. Người nông dân chỉ đóng 10.000 đồng/tháng, và một số người trong đó có những người nhận mức lương hưu 300.000 đồng/tháng như bây giờ. Nếu so sánh với mặt bằng chung hiện nay quả là thấp, nhưng nếu so sánh với mức đóng nhìn lại thì không thể nói là thấp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, quy định của Luật BHXH, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho hộ khác. Nhưng muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ thì Nhà nước phải suy nghĩ cần hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn.

Theo đó, cần tuyên truyền giáo dục, vận động, hướng dẫn để người dân thấy được lợi ích mục tiêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước với chính sách an sinh xã hội. Trong đó, BHXH là một trong những trụ cột quan trọng. Người dân phải hiểu, đóng vào bao nhiêu, hưởng thế nào, quyền lợi ra sao. Với BHXH tự nguyện, người dân được hưởng BHXH khi về hưu, hết tuổi lao động. Tuy nhiên, quan trọng không chỉ là lương hưu, mà còn có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe bản thân khi hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách để làm sao nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bởi, hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện khi đến tuổi nghỉ hưu chỉ hưởng hai chính sách: Hưu trí và tiền tuất. Cần nâng thêm về chế độ thai sản... từ đó tạo ra độ hấp dẫn, thiết tha với BHXH tăng lên.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tim-cach-giu-chan-nhung-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi.aspx