Tìm cách giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa

Một trong những nguyên nhân chính đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu nói chung là do hoạt động phát thải các loại khí nhà kính của con người trong quá trình sản xuất và sinh hoạt: CO2, CH4, N2O… Do vậy, ngành sản xuất lúa nước ta cũng đã và đang quan tâm tìm cách giảm phát thải khí nhà kính để góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.

►Nông dân góp phần giảm khí thải nhà kính

Sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn và giảm khí thải nhà kính không phải là chuyện quá mới mẻ vì đã có nhiều nông dân thực hiện và đã khẳng định được hiệu quả. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm, ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, thu nhập của nông dân trồng lúa tại HTX đã được cải thiện đáng kể so với trước đây nhờ tham gia mô hình cánh đồng lớn (CĐL), sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn thực hành tốt (VietGAP, Global GAP) nên có đầu ra sản phẩm tốt hơn. Đặc biệt, các chi phí sản xuất đầu vào đã giảm mạnh nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là giải pháp “1 phải 5 giảm” gồm: phải dùng giống lúa được xác nhận, giảm lượng nước tưới ở mức vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (có thêm việc giảm khí thải nhà kính) cũng được các thành viên HTX áp dụng, vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hiện HTX Khiết Tâm có 40 xã viên, với diện tích đất canh tác hơn 340ha.

Trong sản xuất lúa, các loại khí thải nhà kính chủ yếu gồm khí CH4, N2O và khí CO2. Theo bà Nguyễn Kim Thu, Phụ trách Bộ môn Khoa học Đất và Vi sinh, Viện Lúa ĐBSCL, nóng lên toàn cầu là vấn đề rất cấp thiết cần được giải quyết và hiện chúng tôi cũng đã và đang triển khai một số dự án nhằm nghiên cứu, tìm cách hỗ trợ nông dân giảm khí thải nhà kính trong canh tác. Viện Lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án tổng hợp các biện pháp kỹ thuật vào trong vùng canh tác để đánh giá phát thải khí nhà kính. Từ năm 2016 đến nay, Viện đã thực hiện các dự án: Đề tài nghiên cứu, xây dựng gói kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL; Xây dựng quy trình canh tác lúa bền vững cho 4 vùng sinh thái (vùng nước ngọt, nước lợ, nhiễm mặn và nhiễm phèn) tại ĐBSCL thuộc Dự án VnSAT. Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá từ các mô hình trình diễn của 2 dự án này cho thấy, lượng khí thải nhà kính trong canh tác lúa đã giảm rõ rệt khi nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật. Đặc biệt, là thực hiện làm đất bằng phẳng; xử lý tốt rơm rạ, hạn chế cho rơm phân hủy trong điều kiện hiếm khí; gieo cấy thưa; tưới nước và bón phân tiết kiệm, hợp lý....

►Nhân rộng các cách làm hay

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, ngoài việc cần có các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả và tăng giá trị gia tăng thì vấn đề giảm phát thải nhà kính và bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Do vậy, Cục Trồng trọt cũng đang phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và các bên liên quan thực hiện Dự án Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agreults (AVERP). Ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Dự án AVERP đã được triển khai thực hiện rất hiệu quả tại tỉnh Thái Bình và chúng tôi muốn nhân rộng, phát triển trên phạm vi cả nước. Dự án này khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nông dân thực hiện và đưa ra các gói kỹ thuật đảm bảo về hiệu quả kinh tế, đảm bảo được vấn đề môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Sau đó có một Ban Cố vấn và Tổ chức độc lập đánh giá gói kỹ thuật đó có đạt hiệu quả không và trao giải thưởng cho các đơn vị doanh nghiệp đã đầu tư thực hiện, với giá trị tiền thưởng rất lớn”.

Dự án AVERP áp dụng “cơ chế kéo” - cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất lúa gạo đưa ra các phát kiến mới, tiến bộ góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.Tổng trị giá các giải thưởng lên tới hơn 3 triệu USD. Dự án AVERP hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sản xuất lúa tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Trong khuôn khổ Dự án AVERP, mới đây tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức hội thảo về các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa gắn với tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam. Tại đây, bên cạnh giới thiệu các kết quả dự án đạt được thời gian qua khi triển khai tại tỉnh Thái Bình (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã tham gia hỗ trợ nông dân tại tỉnh Thái Bình thực hiện mô hình canh tác lúa giảm khí thải nhà kính và đã nhận được giải thưởng từ Dự án AVERP). Ban Tổ chức đã dành nhiều thời gian cho các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu những mô hình, giải pháp công nghệ để nông dân áp dụng nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.

Theo ông Phạm Anh Cường, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nông dân cần tránh việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa mà xử lý bằng chế phẩm sinh học và cày vùi vào đất hoặc thu gom, đồng thời thực hiện gieo cấy thưa gắn với bón phân, tưới nước tiết kiệm. Áp dụng kỹ thuật tưới lúa “ướt khô xen kẽ”, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân bón thế hệ mới, tiết kiệm đạm, lân giúp giảm thất thoát phân bón, giảm phát thải khí nhà kính. Cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa 5cm. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” vừa giúp giảm khí thải nhà kính, vừa giúp tiết kiệm nước tưới và giảm chi phí, cũng như giúp cây lúa chắc khỏe, ít đổ ngã.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tim-cach-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-canh-tac-lua-a116551.html