Tìm cách giải quyết quá tải trường, lớp mầm non tại các KCN ở Bắc Giang

Ngày 18-6, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục mầm non (GDMN), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) làm trưởng đoàn có cuộc khảo sát về chính sách phát triển GDMN khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), để tìm giải pháp giải quyết tình trạng quá tải trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

"Cung" không theo kịp "cầu"

Tại buổi làm việc, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT Bắc Giang Hoàng Thị Uyên cho biết, tỉnh Bắc Giang hiện có sáu KCN: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Việt Hàn (huyện Việt Yên); Song Khê, Nội Hoàng (huyện Yên Dũng); Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa).

Toàn tỉnh có 260 trường mầm non, 250 trường công lập và 10 trường tư thục (trong đó có sáu trường tư thục ở KCN); hơn 3.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong các trường công lập, 112 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong các tư thục và 450 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tổng số trẻ em đến 6 tuổi trên địa bàn tỉnh là hơn 180 nghìn trẻ, trong đó có khoảng hơn 21 nghìn trẻ là con của công nhân, chiếm 11,9%, do đó, nhu cầu gửi con đến trường của công nhân trong các KCN, KCX là rất lớn và ngày một tăng.

Trước thực trạng trên, các huyện đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp mầm non, góp phần giảm bớt gánh nặng quá tải số trẻ/lớp cho các trường công lập trên địa bàn KCN, KCX.

Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang cho rằng, do sự gia tăng dân số, di dân cơ học tập trung trên địa bàn KCN, KCX nên số trẻ độ tuổi mầm non tăng cao, nhu cầu gửi con đến trường của phụ huynh tăng theo, dẫn đến tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục không ổn định, lương thấp.

Còn theo chia sẻ của Trưởng phòng GD-ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) Đỗ Thị Hương, thì các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN, KCX còn chưa quan tâm thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non; chưa có chính sách về chỗ ở cho người lao động, nơi học cho con em người lao động làm việc tại KCN, KCX. Trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp mầm non, chính sách cho giáo viên và trẻ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương.

Để giải quyết những vấn trên, tỉnh Bắc Giang đã triển khai các giải pháp để bảo đảm trường, lớp phục vụ con công nhân bằng cách ban hành những chính sách đặc thù, nhằm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GDMN, đặc biệt là các trường lớp mầm non KCN.

Ngoài ra, các trường mầm non công lập thuộc các xã quanh KCN được hỗ trợ xây dựng phòng học là 250 triệu đồng/phòng; các trường mầm non tư thục thành lập mới trên địa bàn KCN được cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và được miễn tiền thuê đất trong cả thời gian thuê đất; hỗ trợ đồ dùng dạy học, thiết bị cho các nhóm trẻ trong trường tư thục, các nhóm trẻ độc lập tư thục đủ kiều kiện là 20 triệu đồng/ nhóm. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích người dân mở rộng các điểm trông giữ trẻ bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Những đề xuất, kiến nghị

Để đáp ứng tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã có những kiến nghị, đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi trong hệ thống giáo dục công lập; nâng bậc lương cho giáo viên mầm non. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có chính sách khuyến khích, xây dựng cơ sở GDMN phục vụ con em công nhân ở KCN, KCX; xác định trách nhiệm của cơ quản quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư từ ưu đãi, vay vốn, đất đai; chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở GDMN.

Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Âu Cơ (huyện Việt Yên, Bắc Giang) Thân Thị Khắc đề xuất Bộ GD-ĐT tham mưu để ban hành chính sách cho các giáo viên mầm non, cụ thể như hỗ trợ tiền bảo hiểm và hỗ trợ lương để tạo sự công bằng giữa mức lương của trường công lập và tư thục. Ngoài ra, hằng năm, có cơ chế cụ thể để địa phương hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi trên đầu trẻ, không phân biệt trường công lập và tư thục.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết: Thời gian qua, GDMN đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, GDMN còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vấn đề giải quyết thiếu trường, lớp ở tại các KCN chưa được giải quyết triệt để. Thời gian tới, các trường ngoài công lập sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăn sóc giáo dục cho trẻ mầm non trên địa bàn, đặc biệt tại các KCN.

Qua khảo sát một số nhóm trẻ độc lập tư thục tại xã Vân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang), cơ sở vật chất về cơ bản bảo đảm theo quy định, tuy nhiên, thời gian tới cần tăng cường giám sát, đặc biệt là phải tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với nhóm lớp độc lập tư thục về hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Đoàn công tác khẳng định sẽ phản ảnh đầy đủ các nguyện vọng, đề xuất để sắp tới sẽ có chính sách chăm lo giáo dục con em công nhân lao động ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, để các phụ huynh thực sự tin tưởng, có những lựa chọn đúng đắn để gửi gắm con em mình vào những cơ sở giáo dục có đủ chất lượng và điều kiện, các địa phương cần cập nhật những cơ sở GDMN, nhóm lớp độc lập tư thục được cấp phép để phụ huynh chủ động lựa chọn.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/40581402-tim-cach-giai-quyet-qua-tai-truong-lop-mam-non-tai-cac-kcn-o-bac-giang.html