TikTok bị EU phạt 345 triệu euro: Vòng kim cô tiếp tục thắt chặt
TikTok đã bị các cơ quan quản lý của Liên minh Châu Âu phạt 345 triệu euro vì chỉ có các biện pháp bảo vệ yếu kém đối với thông tin cá nhân của những trẻ em sử dụng nền tảng này, một dấu hiệu cho thấy TikTok đang bị giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Vì sao có án phạt?
Theo Ủy ban Bảo vệ dữ liệu (DPC) của Ireland - cơ quan thay mặt Liên minh châu Âu giám sát các công ty công nghệ - cài đặt mặc định của TikTok không bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư của trẻ em và công ty cũng không minh bạch trong việc giải thích những gì họ đang làm với dữ liệu của người dùng từ 17 tuổi trở xuống.
DPC Ireland xác định TikTok đã vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu của trẻ em sau khi phát hiện tài khoản của người dùng trẻ em được đặt ở cài đặt mặc định cho phép bất kỳ ai - bật hoặc tắt ứng dụng này - xem nội dung của các em.
Ủy ban này cũng cho biết họ phát hiện ra rằng tính năng "ghép nối gia đình” của TikTok - cho phép người lớn ghép nối tài khoản của họ với tài khoản người dùng trẻ em và cung cấp quyền truy cập vào tin nhắn trực tiếp - không xác minh trạng thái cha mẹ hoặc người giám hộ. Ủy ban trích dẫn việc thiếu thông tin minh bạch khiến người dùng có thể chọn nhiều tùy chọn xâm phạm quyền riêng tư hơn khi đăng ký hoặc đăng video.
Khoản tiền phạt 345 triệu euro là mức phạt đầu tiên được EU đưa ra đối với TikTok vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Theo DPC Ireland, TikTok sẽ có 28 ngày để kháng cáo với án phạt vừa nhận. Cơ quan này cũng cho biết, họ đang tiến hành một cuộc điều tra riêng để tìm hiểu xem liệu TikTok có gửi dữ liệu của người dùng ở Liên minh châu Âu tới công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc một cách bất hợp pháp hay không, và cuộc điều tra dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.
Phản ứng với án phạt từ phía EU, người phát ngôn của TikTok cho biết họ không đồng ý với quyết định của Liên minh châu Âu, "đặc biệt là mức phạt được áp dụng”. Nền tảng truyền thông xã hội này khẳng định, những phát hiện của cơ quan Ireland dựa trên các tính năng và cài đặt đã có từ ba năm trước và cho biết họ đã thực hiện các thay đổi đối với những tính năng đó "ngay trước khi cuộc điều tra bắt đầu”.
Mối nguy cho thanh thiếu niên
TikTok đang trở thành mục tiêu thường xuyên hơn của các bậc cha mẹ, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý trên khắp thế giới, những người cảnh giác với hoạt động thu thập dữ liệu của công ty cũng như ảnh hưởng của nền tảng này đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022, có tới 67% thanh thiếu niên Mỹ cho biết họ sử dụng TikTok, với 16% trong số đó cho biết họ sử dụng nền tảng truyền thông xã hội này "gần như liên tục” mỗi ngày, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, việc trẻ em thường xuyên sử dụng mạng xã hội - cùng với tiềm năng của các thuật toán để thu hút thanh thiếu niên vào những cạm bẫy thông tin lệch lạc và nguy hiểm - là một yếu tố trong khuyến nghị mới của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) về việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên.
Khuyến nghị của APA cho biết các bậc cha mẹ nên theo dõi việc lướt mạng xã hội của trẻ nhỏ và theo dõi những hành vi sử dụng gây rắc rối. Hiệp hội này cũng kêu gọi các bậc cha mẹ và các công ty công nghệ phải hết sức cảnh giác với những nội dung khuyến khích trẻ em tự làm hại mình.
Một cuộc điều tra của Wall Street Journal vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng TikTok hướng người xem đến những nội dung nguy hiểm. TikTok kể từ đó đã tăng cường khả năng kiểm soát của phụ huynh và hứa hẹn một thuật toán đồng đều hơn. Người phát ngôn của TikTok khẳng định công ty có đội ngũ hơn 40.000 người kiểm duyệt nội dung. Trong ba tháng cuối năm 2022, TikTok cho biết họ đã xóa khoảng 85 triệu bài đăng bị coi là vi phạm nguyên tắc cộng đồng của mình, trong đó 2,8% là nội dung về tự tử, tự làm hại bản thân và rối loạn ăn uống. TikTok cũng xem xét việc xóa nội dung bị người dùng gắn cờ. Thế nhưng, nghiên cứu mới nhất của Wall Street Journal cho thấy trải nghiệm ứng dụng dành cho thanh thiếu niên vẫn thay đổi rất ít.
Trong thông báo về cuộc điều tra của mình đối với TikTok mới đây, DPC Ireland cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2020, TikTok đã mặc định đặt tài khoản của người dùng từ 13 đến 17 tuổi ở chế độ công khai một cách bất hợp pháp, giúp mọi người có thể xem và nhận xét về video họ đã đăng một cách hiệu quả. DPC khẳng định TikTok không đánh giá thích đáng những rủi ro mà người dùng dưới 13 tuổi có thể truy cập vào nền tảng của mình. Họ cũng phát hiện ra rằng TikTok vẫn đang thúc đẩy thanh thiếu niên tham gia nền tảng này để công khai tài khoản và video của họ thông qua các cửa sổ bật lên lôi kéo. DPC đã yêu cầu công ty thay đổi những thiết kế sai lệch này, được gọi là họa tiết tối màu, trong vòng ba tháng tới.
Vẫn biết, kiểm soát tất cả nội dung trên một dịch vụ được hơn một tỷ người dùng hàng tháng sử dụng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc loại bỏ nội dung có hại và quảng bá nội dung đó. Tiến sĩ Arthur Evans Jr., Giám đốc điều hành của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết: "Nếu các công ty công nghệ không thể loại bỏ điều này khỏi nền tảng của họ thì đừng tạo ra các thuật toán hướng trẻ em đến thông tin đó”.
Những gì thanh thiếu niên nhìn thấy trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của họ. Rất nhiều nghiên cứu ủng hộ điều này. Bằng chứng đơn giản nhất có thể được tìm thấy dễ dàng là hình ảnh về những thanh thiếu niên phát triển chứng giật cơ (gọi là các rối loạn tic) sau khi xem các video TikTok lặp đi lặp lại về những người có hành vi giống Hội chứng Tourette, tức là thể rối loạn tic nặng nhất.
Những lời kêu gọi cấm hoàn toàn TikTok
Trở lại với án phạt mà EU vừa đưa ra với TikTok, đây không phải là lần đầu tiên nền tảng truyền thông xã hội này bị trừng phạt vì xử lý dữ liệu trẻ em. Vào tháng 4, các cơ quan quản lý của Anh đã phạt TikTok số tiền 12,7 triệu bảng Anh, trị giá khoảng 15,8 triệu USD, vì không ngăn cản trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký dịch vụ. Hồi năm 2019, Musical.ly, ứng dụng sau này trở thành TikTok, đã đồng ý trả 5,7 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của Ủy ban Thương mại liên bang vì vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của Hoa Kỳ đối với trẻ em. Công ty cũng đã nhận khoản tiền phạt 750.000 euro vào năm 2021 từ cơ quan quản lý quyền riêng tư của Hà Lan vì không bảo vệ trẻ em Hà Lan do không có chính sách quyền riêng tư bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng.
Những khoản tiền phạt tốn kém càng làm tăng thêm khó khăn của TikTok ở châu Âu, sau khi ứng dụng này chứng kiến một làn sóng hạn chế mới đối với việc sử dụng TikTok vào đầu năm nay. Sau khi DPC Ireland công bố kết quả điều tra và EU đưa ra mức phạt đối với TikTok, các cơ quan giám sát quốc gia khác tại châu Âu vẫn cân nhắc cuộc điều tra vào mùa hè thông qua Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB). Chẳng hạn cơ quan bảo mật của Đức và cơ quan quản lý dữ liệu của Ý hiện vẫn chưa thỏa mãn với những phát hiện ban đầu của Ireland và sẽ có những bước đi của riêng mình.
Trên khắp thế giới, những lo ngại về tác hại của TikTok, không chỉ đối với trẻ em mà còn với cả những người dùng lớn tuổi hơn, đang tạo ra làn sóng kêu gọi cấm hoặc siết chặt kiểm soát đối với nền tảng truyền thông xã hội này. Ấn Độ hiện đã cấm hoàn toàn TikTok. Trong khi đó, ngay cả những quốc gia xa xôi và kém phát triển như Somalia cũng làm điều tương tự. Somalia đã cấm TikTok vào ngày 21/8 vừa qua như là một phần của các biện pháp chống lại các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm Telegram và 1XBET, mà Bộ Truyền thông Somali cho rằng đang bị bọn khủng bố và "các nhóm vô đạo đức” sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và hình ảnh rõ ràng cho công chúng.
Tại Mỹ, trước những tác hại do mặt trái của TikTok gây ra, những lời kêu gọi cấm ứng dụng này ngày càng nở rộ và gay gắt hơn. Các nhà hoạch định chính sách của nhiều tiểu bang và liên bang hiện đang cố gắng ngăn chặn nền tảng video xã hội này tránh xa các trường học, nhân viên công quyền, thậm chí toàn bộ các bang, với lý do dữ liệu của người dùng có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Nhiều cơ quan chính phủ ở Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị làm việc vì lo ngại rằng ứng dụng này có thể cung cấp cho ByteDance và các chủ thể khác quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người dùng. Bang Montana hồi tháng 5 năm nay thậm chí đã thông qua luật cấm hoàn toàn việc sử dụng ứng dụng này trong bang. Và bây giờ, với động thái mới nhất từ EU, nhiều khả năng các nỗ lực ngăn chặn TikTok tại Mỹ sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa, nhân rộng hơn nữa tại nhiều tiểu bang.