Tiểu vùng sông Mekong phát triển cách chữa bệnh không dùng thuốc

Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 9 nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở mỗi nước.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 5/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đăng cai Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 9 với sự tham gia của gần 500 đại biểu đến từ các nước thuộc lưu vực sông Mekong, một số tổ chức quốc tế và các đại biểu trong nước.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai những nội dung đã được Hội nghị lần thứ 8 đề ra. Đồng thời, tiếp tục thảo luận về những nội dung hợp tác về Y học cổ truyền của các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Phát biểu Hội nghị, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, phát triển nền y dược cổ truyền trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã trở thành một nội dung hoạt động quan trọng của các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Theo xu thế hiện nay, không chỉ các nước tiểu vùng sông Mekong mà các nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu ứng dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên cùng các phương pháp chữa bệnh truyền thống không dùng thuốc trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân loại.

Việc kế thừa và phát triển các bài thuốc cổ truyền, các cây thuốc quý, giới thiệu các phương pháp y học dân gian, phổ biến, chuyển giao những phương pháp hay, bài thuốc quý; tổ chức nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của y dược cổ truyền trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mỗi quốc gia là điều cần thiết, có giá trị thiết thực.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hệ thống 65 bệnh viện Y dược cổ truyền công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

92,7% bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền; 84,8% trạm Y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam.

Đại diện lãnh đạo các đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Mỗi năm, khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có hệ thực vật đa dạng, phong phú xếp hạng thứ 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của khoảng 16% các loài trên thế giới, với gần 16.000 loài thực vật đã được tìm thấy trong cả nước, trong đó có 10% là loài đặc hữu.

Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, hệ thống y dược cổ truyền của Việt Nam ngày càng được kiện toàn và có nhiều đổi mới.

Hệ thống tổ chức nhân lực về y dược cổ truyền từng bước được củng cố đứng đầu là Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có chức năng quản lý và phát triển dược liệu.

Các địa phương đã thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chuyên trách về công tác y học cổ truyền tại các Sở Y tế. Số cán bộ chuyên trách tại tuyến huyện tăng lên rõ rệt, đạt 9,06%.

Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh y dược cổ truyền ngày càng phát triển. Cùng với hệ thống công lập, hệ thống ngoài công lập còn có trên 12.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền do các bác sỹ, y sỹ, lương y, người có bài thuốc gia truyền.

Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền.

Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực y dược cổ truyền đã bước đầu được kiện toàn theo hướng phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập khu vực, thế giới.

Hoạt động này được định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế xã hội; bảo tồn lưu trữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực y dược cổ truyền; hợp tác quốc tế được chú trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của y học cổ truyền nước ta ngày càng có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 9, nhiều hoạt động được tổ chức như trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông; khai mạc triển lãm y, dược cổ truyền các nước lưu vực Mekong; Hội thảo về các chính sách hỗ trợ phát triển Y dược cổ truyền; giới thiệu các phương pháp chữa bệnh Y học cổ truyền dân gian của các nước trong khu vực; Hội thảo Học thuật quốc tế Y học cổ truyền./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tieu-vung-song-mekong-phat-trien-cach-chua-benh-khong-dung-thuoc/593738.vnp