Tiểu thuyết trinh thám Việt – Chờ được đánh thức!

Có phần lép vế so với trinh thám nước ngoài, nhưng các tác phẩm trinh thám 'made in Việt Nam' cũng ít nhiều đem đến một luồng gió mới.

Không quá xa lạ với độc giả Việt nhưng tiểu thuyết trinh thám nội địa vẫn đang trong quá trình tìm đường và định vị bản thân. Hồi sinh hay lụi tàn – Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào lực lượng viết trinh thám – mà trong đó đã xuất hiện một số gương mặt trẻ tuổi.

Series “Thám tử Kỳ Phát”

Series “Thám tử Kỳ Phát”

Bên cạnh những khó khăn về thể loại cũng như về đặc thù của ngành xuất bản ở nước ta, tiểu thuyết trinh thám cũng là cánh cửa đầy hứa hẹn, hấp dẫn và thách thức – một lối đi mới mẻ hơn giữa “rừng” ngôn tình hiện đại. Những tác giả trinh thám Việt, họ có sẵn sàng chấp nhận thử thách này hay không? Và sau một thời gian, ai sẽ là người trụ lại với đam mê? Chúng ta cùng theo dõi vệt bài “Tiểu thuyết trinh thám Việt – Chờ được đánh thức!” của nhóm phóng viên Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6).

Phóng sự 1: Tiểu thuyết trinh thám Việt – Cơn khát chưa được giải

Có phần lép vế so với trinh thám nước ngoài, nhưng các tác phẩm trinh thám “made in Việt Nam” cũng ít nhiều đem đến một luồng gió mới. Mới ở bối cảnh, con người, câu chuyện mang bản sắc Việt nếu so sánh với văn học dịch. Và mới ở sự độc đáo, khác lạ nếu đặt các tiểu thuyết giật gân, ly kỳ này bên cạnh hàng loạt những tác phẩm du ký, ngôn tình. Tiềm năng hay kỳ vọng là điều không thiếu ở thể loại trinh thám, nhưng con đường chinh phục thể loại vẫn còn gian nan…

Lép vế so với trinh thám nước ngoài

Từng trải qua giai đoạn vàng son những năm 30 của thế kỷ trước và đang có những tín hiệu đáng mừng với sự xuất hiện của một số tác giả trẻ, trinh thám nội địa vẫn vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình loay hoay tìm đường. Có nhiều lý do được đưa ra, chẳng hạn trinh thám nội địa có phần lép vế so với các tác phẩm nước ngoài cùng thể loại, sự e ngại của các nhà sách, nhà xuất bản hoặc có một nguyên nhân được nhắc đến thường xuyên hơn, đó là sự thiếu mặn mà của độc giả.

Với anh Dương Hải Linh ở Hà Nội cho rằng dẫu có văn phong gần gũi nhưng “trinh thám Việt vẫn chưa khiến độc giả thích thú. Nhiều người sẽ chê là hơi đơn giản”. Còn theo chị Hoàng Diệp Hằng, một dịch giả tiếng Trung ở Lạng Sơn, số lượng tác giả lẫn tác phẩm trinh thám nội địa còn ít khiến thể loại này vẫn còn là một khoảng trống trong văn học nước nhà.

Bối cảnh, câu chuyện, con người Việt… có thể giúp một tác phẩm văn học trinh thám nội địa ghi điểm với độc giả. Tuy nhiên, các tác phẩm trinh thám nước ngoài hiện đang rất phổ biến ở nước ta. Người đọc có thể tiếp cận bản dịch, hoặc nguyên tắc, tùy theo nhu cầu. Từ đó, không tránh khỏi sự so sánh “hay như Tây” hoặc “không xoắn não bằng truyện nước ngoài” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cũng chính vì vậy, theo anh Nam Đỗ, admin Hội thích truyện trinh thám trên facebook với khoảng 27.000 thành viên, cùng một số tiền, việc chọn mua trinh thám nước ngoài hơn là một tác phẩm nội địa cũng là một điều dễ lý giải. Trinh thám Việt cần một thời gian 4-5 năm để tạo dựng thương hiệu và niềm tin cho độc giả.

Trinh thám nội địa – có gì ngoài một câu chuyện giật gân?

Tuy nhiên, nếu cho rằng độc giả quay lưng với tác phẩm trinh thám nội địa thì có phần không thỏa đáng. Tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của nhà văn Di Li, tác phẩm được coi là mở đường cho trinh thám Việt hiện đại hơn 10 năm trước, vẫn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả. Vào năm ngoái, “Răng sư tử” – bộ sách biên khảo về cuộc chiến điệp báo giữa các cường quốc gia của tác giả Yên Ba, đơn vị sách Đông A và NXB Công an Nhân dân ấn hành – đã tái bản lần thứ ba, và hiện vẫn thuộc vào hàng sách bán chạy.

Buổi tọa đàm về văn học trinh thám Việt Nam.

Các tác giả trẻ cũng bắt đầu được “điểm danh” ở địa hạt này. Điều đó cho thấy độc giả vẫn luôn chờ đợi các tác phẩm trinh thám nội địa, và thậm chí, sẵn sàng “xuất kho” cho những tác phẩm đáng đồng tiền bát gạo. PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Mảnh đất của trinh thám luôn rộng mở, nhưng điều quan trọng là nhà văn phải có ý thức cao về nghề. Tôi tin rằng một nhà văn có ý thức về nghề, bán không hề kém Nguyễn Nhật Ánh, không hề kém du ký. Nhưng nó phải thực sự là trinh thám. Người ta phải tìm được gì ở trong đó, ngoài một câu chuyện giật gân”./.

Nguyễn Hà/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/tieu-thuyet-trinh-tham-viet-cho-duoc-danh-thuc-1030257.vov