Tiểu thuyết gia nổi tiếng bị đâm trên sân khấu Mỹ vì 'án' tôn giáo

Ngày 12/8, Tiểu thuyết gia gốc Ấn Độ Salman Rushdie bị đâm vào cổ và người khi đang đứng trên bục giảng ở New York, Mỹ, và được đưa bằng máy bay đến bệnh viện cấp cứu.

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie

Tối 12/8, sau vài giờ phẫu thuật, Rushdie phải thở máy và chưa thể nói được. Các chính trị gia và giới nhà văn khắp thế giới lên án vụ tấn công vào tự do ngôn luận.

“Tin không tốt lắm. Salman có thể sẽ mất một mắt, dây thần kinh ở cánh tay ông ấy bị cắt đứt, gan của ông ấy bị đâm và bị tổn thương”, Andrew Wylie, đại diện xuất bản sách của Rushdie cho biết.

Tiểu thuyết gia 75 tuổi đang được giới thiệu trước khi có bài nói chuyện trước hàng trăm khán giả về tự do nghệ thuật tại Viện Chautauqua ở New York thì một người đàn ông chạy lên sân khấu tấn công ông. Ông vẫn sống với cái đầu bị treo thưởng kể từ cuối những năm 1980.

Những người tham dự buổi nói chuyện đã kéo kẻ tấn công khỏi Rushdie và ông ngã xuống sàn. Một cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho sự kiện đã bắt giữ kẻ tấn công. Cảnh sát xác định nghi phạm là Hadi Matar, một thanh niên 24 tuổi người Fairview, New Jersey. Đối tượng đã mua vé dự sự kiện.

Cảnh sát cho biết đang làm việc với các điều tra viên liên bang để xác định động cơ và chưa cho biết loại vũ khí mà hung thủ sử dụng.

Rushdie sinh ra trong một gia đình Hồi giáo Kashmir ở Bombay, nay là Mumbai, sau đó chuyển sang Anh. Ông bị dọa giết nhiều năm nay vì cuốn tiểu thuyết thứ tư “The Satanic Verses” (tạm dịch: Những vần thơ của quỷ sa-tăng). Một số người Hồi giáo cho rằng cuốn sách chứa nhiều đoạn báng bổ. Nó bị cấm ở nhiều nước có đông dân số Hồi giáo sau khi xuất bản năm 1988.

Vài tháng sau, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini khi đó ban bố sắc lệnh tôn giáo (fatwa), tuyên bố bất kỳ ai liên quan đến việc xuất bản sách vì tội báng bổ.

Rushdie nói rằng cuốn tiểu thuyết của ông “khá nhẹ nhàng” nhưng phải ở ẩn gần 1 thập kỷ. Hitoshi Igarashi, dịch giả người Nhật Bản đã chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết, bị sát hại năm 1991. Năm 1998, chính phủ Iran khẳng định không còn ủng hộ fatwa nữa, và Rushdie sống tương đối cởi mở trong những năm gần đây.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người kế nhiệm của ông Khomeini, ra tuyên bố năm 2019 rằng fatwa là “không thể thay đổi”.

Hãng thông tấn Fars của Iran gọi Rushdie là “kẻ bỏ đạo” đã “xúc phạm nhà tiên tri” khi đưa tin về vụ tấn công Rushdie ngày 12/8.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tieu-thuyet-gia-noi-tieng-bi-dam-tren-san-khau-my-vi-an-ton-giao-post1461341.tpo