Tiêu thụ thịt, nội tạng heo nhiễm bệnh: Phải quy đó là hành vi giết người

Dư luận bàng hoàng khi báo chí đưa tin các cơ quan chức năng ở huyện Long Thành (Đồng Nai), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) kịp thời ngăn chặn hai lò mổ đưa ra thị trường tiêu thụ thịt, nội tạng heo nhiễm bệnh. Xử lý hành chính không còn đủ sức để răn đe hành vi này.

Theo thông tin trên báo chí:Ngày 14/1, Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) phối hợp với cơ quan Chăn nuôi thú y huyện Long Thành tổ chức tiêu hủy 3,2 tấn thịt, nội tạng heo bệnh, heo chết bị phát hiện, bắt giữ trước đó.

Ảnh: Dân trí

Ảnh: Dân trí

Vào trưa 13/1, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất tại lò mổ của ông Lê Tấn Đạt (39 tuổi, ấp 5, xã Long Phước, huyện Long Thành). Tại đây, công an phát hiện 1 nhóm người đang xẻ thịt heo chết và giết mổ heo bị nhiễm bệnh.

Kiểm tra lò mổ, lực lượng chức năng phát hiện tổng cộng 3,2 tấn thịt, nội tạng heo đã ngả màu và bốc mùi hôi thối chuẩn bị được chủ lò mổ đưa đi tiêu thụ.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lò mổ không xuất trình được giấy phép kinh doanh giết mổ và các loại giấy tờ liên quan.

Cơ quan công an tổ chức lập biên bản xử phạt hành chính chủ lò mổ và tịch thu toàn bộ thịt, nội tạng mang đi tiêu hủy.

Tại Vĩnh Phúc:sáng 10-1-2019, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường phát hiện gia đình ông Phan Văn Luận ở thôn Cuối, xã Nghĩa Hưng giết mổ bốn con lợn chết không rõ nguyên nhân, mỗi con khoảng 70 kg, trà trộn với thịt lợn không bị bệnh để bán.

Ảnh: VTV

Tại thời điểm kiểm tra, ông Luận không chứng minh được nguồn gốc số lợn chết trên. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã lập biên bản, yêu cầu chủ cơ sở giết mổ tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn trên theo quy định.

Ông Phan Văn Luận đã từng bị UBND huyện Vĩnh Tường xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng vì vi phạm quy định trong giết mổ, kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm từ động vật vào tháng 7-2018 và năm 2016 cũng đã từng bị lực lượng chức năng xử lý vì hành vi vi phạm trên.

Ông Đặng Quang Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Tường, cho biết: “Các quy định, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm như trên vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, gây khó cho công tác quản lý.

Về trường hợp hộ ông Phan Văn Luận có hành vi giết mổ bốn con lợn chết sau đó trà trộn với thịt lợn không bị bệnh để bán kiếm lời gây bức xúc dư luận. Hiện huyện Vĩnh Tường đang củng cố hồ sơ, đề nghị cơ quan chức năng khởi tố trước pháp luật vì đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm.”

Dư luận bức xúc về hành vi độc ác này, chỉ vì lòng tham mà nhẫn tâm đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm bẩn

Phải gọi đúng tên là hành vi giết người vì đã đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm nhiễm bệnh.

Nếu các cơ quan không ngăn chặn kịp thì hàng tấn thịt, nội tạng heo nhiễm bệnh đã vào dạ dày người tiêu dùng.

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) thay thế Nghị định 178/2013) có hiệu lực từ ngày 20/10/2018, được các cơ quan liên quan kỳ vọng sẽ giúp việc quản lý thực phẩm tốt hơn.So với Nghị định 178/2013, mức xử phạt này cao gấp 2-3 lần đối với một số hành vi vi phạm, cá biệt một số hành vi có mức phạt tăng gấp 10 lần.

Cụ thể: hành vi bơm tạp chất vào tôm trước đây phạt 300.000 đồng sẽ tăng lên 3 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Đặc biệt, mức phạt sẽ tăng hơn rất nhiều với 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên (trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5-7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm). Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc những hành vi đó. Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP có thể bị phạt nhiều tỉ đồng chứ không dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng như lâu nay.

Tuy nhiên dù có tăng mức phạt cao như quy định trong nghị định thì dư luận e rằng vẫn không đủ mạnh để ngăn chặn hành vi tiêu thụ thực phẩm bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cần thiết phải truy tố trước pháp luật. Phải quy đó là tội giết người. Dù thực phẩm bẩn không làm chết người ngay, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Trước tình trạng bệnh dịch ngày một phát triển, dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây nhiễm, dịch lở mồm long móng...các cơ quan chức năng không thể thờ ơ với sức khỏe người tiêu dùng.

Hồ Khánh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tieu-thu-thit-noi-tang-heo-nhiem-benh-phai-quy-do-la-hanh-vi-giet-nguoi/20190115031618689