Tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La: Kết nối cung cầu, tạo đột phá

Ngày 31/8/2018, tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức một chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô. Trong đó, mở rộng kết nối để tiêu thụ nông sản là nội dung được Sơn La đặc biệt quan tâm, với kỳ vọng thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La thăm quan gian hàng tại Hội chợ nông sản

Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La thăm quan gian hàng tại Hội chợ nông sản

Những cơn mưa lớn bất thường suốt cả tuần cuối cùng của tháng 8 đã khiến đường Quốc lộ 6 – con đường lên với thị trấn Mộc Châu – bị tắc nghẽn nhiều đoạn. Sạt lở đất đá, nước ngập sâu cả mét đã khiến nhiều chuyến xe phải dừng lại hàng tiếng đồng hồ chờ san gạt đường. Vậy nhưng, với sự quan tâm lớn đối với Sơn La - địa phương đang có những bứt phá để trở thành vựa trái cây của tiểu vùng Tây Bắc…, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ - lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn và lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào) vẫn vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết để tham dự hội nghị, hội chợ của Sơn La.

Xuất khẩu- chinh phục các thị trường khó tính

Nhiều giải pháp xuất khẩu nông sản đã được đề cập tại hội nghị

Thông tin tại Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu (XK) các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2018 tổ chức sáng 31/8, ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2018, XK nông sản của Sơn La dự kiến là 110 triệu USD. Sau 8 tháng đầu năm, giá trị XK nông sản của Sơn La đã đạt 90 triệu USD, đạt 81% so với kế hoạch năm, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2017. Đặc biệt, bên cạnh thị trường Trung Quốc, nông sản Sơn La đã bắt đầu có mặt tại những thị trường khó tính như: EU, Úc, Nhật, Hoa Kỳ… Lợi nhuận thu được từ 1ha đất trồng hoa quả của người dân đã tăng gấp hơn 10 lần so với trồng ngô, lúa.

Mặc dù có bước phát triển vượt bậc về doanh số và thị trường XK, nhưng thực tế, Sơn La vẫn chủ yếu là xuất thô, xuất tươi nông sản. Để gia tăng giá trị hơn nữa cho nông sản, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại tham mưu: Thời gian tới, Sơn La cần đặc biệt chú ý tới khâu gien giống, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Doanh nghiệp trong tỉnh chưa có khả năng thì thu hút nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực này. Đặc biệt phải quy hoạch vùng trồng, phát triển các loại cây có lợi thế, riêng có để sản xuất quy mô hàng hóa.

“Đã đến lúc, cần tính tới việc liên kết với các tỉnh lân cận (Lai Châu, Thanh Hóa, Hòa Bình) để quy hoạch vùng trồng, giúp nâng cao sản lượng ở quy mô công nghiệp, đảm bảo công suất của các nhà máy chế biến. Cần mạnh dạn đi thẳng, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho các quy trình. Cách làm này tuy tốn thời gian và nguồn lực nhưng đây là lựa chọn cần thiết cho sự phát triển bền vững ổn định” – Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Bá Phú, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: “Buôn có bạn, bán có phường” - tư duy này chưa bao giờ cũ. Chính vì vậy, song song với việc xây dựng chất lượng đạt chuẩn cho nông sản, công tác tìm thị trường được Sơn La đặc biệt quan tâm.

Thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị Trung ương, các tỉnh, thành phố để liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản có kinh nghiệm để tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm tạo bước đột phá. Trước mắt, sẽ tiếp tục tăng cường liên kết với các thương nhân của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh để xuất khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch sang các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) – thị trường gần và có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn.

Nông sản Sơn La đã bắt đầu xuất khẩu được sang một số thị trường khó tính

Trong nước- đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Mặc dù XK nông sản năm 2018 của Sơn La tăng cao so với 2017 nhưng sản lượng XK được vẫn tương đối thấp. Chính vì vậy, thị trường trong nước được Sơn La xác định tiếp tục là thị trường đặc biệt quan trọng. Theo đó, năm 2018, Sơn La đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến, tiêu thụ 12 mặt hàng nông sản đối với thị trường trong nước. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản, lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng chủ động làm việc với lãnh đạo các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Aeon, Vinmart, Hapromart để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm xoài, nhãn.

Tin vui lớn đã đến với người nông dân Sơn La khi mà tại Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ hàng Việt Sơn La năm 2018 tổ chức chiều 31/8, bà Phạm Thị Thùy Linh – Quản lý cấp cao thu mua khu vực miền bắc Siêu thị BigC thông báo: Thay vì thu mua rau củ quả tận Đà Lạt, tới đây, BigC sẽ thu mua của Sơn La, vì chất lượng rau củ của Sơn La khá ổn, cung đường vận chuyển lại được rút ngắn hơn nhiều.

Với nhiều hợp tác xã trồng rau hoa quả ở Sơn La, song song với việc củng cố quy trình trồng và bảo quản để có thể tiếp cận với các thị trường XK khó tính, thị trường trong nước vẫn là thị trường nhiều tiềm năng: “Nhãn trồng theo quy trình VietGap, chúng tôi có thể bán cho siêu thị giá từ 20.000 – 25.000/kg, trong khi xuất sang thị trường Trung Quốc, giá chưa bằng 2/3. Hiện sản phẩm của hợp tác xã chúng tôi vẫn tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống siêu thị” – anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh (huyện Mường La, Sơn La) cho hay.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Duy Nhượng – Giám đốc Sở Công Thương Sơn La khẳng định: Với vấn đề tiêu thụ nông sản, kết nối vẫn là nội dung then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản. Hiện Sơn La không chỉ kết nối giữa giữa doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ mà còn hướng tới kết nối với các tỉnh, kết nối với các vùng và với cả nước.

Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La 2018

Cụ thể hóa cho tinh thần kết nối mạnh mẽ của Sơn La, ngay trong tối 31/8, Hội chợ nông sản an toàn và XK tỉnh Sơn La năm 2018 đã được tổ chức tại Sân vận động huyện Mộc Châu với quy mô hơn 300 gian hàng (trong đó có hơn 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn). Hội chợ có sự tham gia của 150 gian hàng của 16 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh có kết nối tiêu thụ với Sơn La như: Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Đắc Lắc, Vĩnh Phúc; đặc biệt tham dự Hội chợ còn có gian hàng của tỉnh Luông Pha Băng (Nước CHDCND Lào). Tỉnh Sơn La có 12/12 huyện, thành phố và các doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh tham gia 80 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn và xuất khẩu.

Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Hội chợ là dịp tăng cường mở rộng giao lưu giữa các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại, XK sản phẩm nông nghiệp cũng như nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng nhằm phục vụ việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Hoàng Mai - Nhật Quang

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tieu-thu-nong-san-tinh-son-la-ket-noi-cung-cau-tao-dot-pha-108222.html