Tiêu thụ điện liên tục tăng: Ngành điện cần sự chia sẻ từ khách hàng

Trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, EVN gặp khó khăn rất lớn do lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ ở khu vực miền Nam đã gần về mực nước chết.

Nhân viên EVN Hà Nội ứng trực để giải quyết các sự cố về điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhân viên EVN Hà Nội ứng trực để giải quyết các sự cố về điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong tuần vừa qua (từ ngày 13/5-19/5), nắng nóng gay gắt trên diện rộng tại miền Bắc và miền Trung đã khiến tiêu thụ điện tăng vọt.

Đáng chú ý, quý 2 hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô cũng là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống. Do vậy, ngoài những nỗ lực của EVN, ngành điện cũng cần có sự chung tay của các khách hàng trong việc sử dụng an toàn và tiết kiệm.

Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới

Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc lên tới 36.006 MW lúc 13 giờ 40 phút ngày 18/5.

Cũng trong ngày 18/5, lượng điện tiêu thụ của cả nước đã ghi nhận con số cao nhất từ trước đến nay khi lên tới 756,9 triệu kWh.

Chỉ tính riêng tại khu vực Hà Nội, sản lượng điện năng tiêu thụ ngày 18/5 là 73,995 triệu kWh tăng 101% so với tháng trước, còn ngày 19/5 là 73,097 triệu kWh, tăng 102% so với tháng trước.

Đại diện EVN cho biết, nắng nóng kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động, làm suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng gia đình, từng hộ khách hàng.

Không những vậy, nắng nóng và tiêu thụ điện cao có thể dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, EVN gặp khó khăn rất lớn do lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ ở khu vực miền Nam đã gần về mực nước chết.

Bên cạnh đó, nguồn khí sau nhiều năm khai thác cao đã suy giảm, nguồn than trong nước hiện nay cũng không thể đảm bảo đủ cho sản xuất điện và đã phải nhập khẩu than.

Trước tình hình này, EVN sẽ huy động linh hoạt thủy điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô.

Theo đó, các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam sẽ được huy động tối đa công suất. EVN cũng đã chủ động phối hợp với PVN, Vinacomin để triển khai những giải pháp đảm bảo nhiên liệu cho phát điện.

Bên cạnh đó, EVN giám sát liên tục đường dây truyền tải siêu cao áp để tăng cường truyền tải điện từ Bắc vào Nam.

- Tiêu thụ điện trên địa bàn Hà Nội một tuần gần đây:

Cần sự chia sẻ của khách hàng

Theo đại diện của EVN, hiện nay, đã có khoảng 2.000 khách hàng lớn ký kết tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải cùng đơn vị này.

Bên cạnh đó, các công ty điện lực vẫn đang tiếp tục vận động, làm việc với các khách hàng lớn, song song với việc tuyên truyền tiết kiệm điện tới từng hộ gia đình.

“Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, cần tập trung quản lý từ phía cầu để sử dụng điện hợp lý, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ngành điện cần sự chia sẻ, phối hợp từ phía các khách hàng để tham gia thực hiện điều chỉnh phụ tải, góp phần san tải hệ thống điện trong giờ cao điểm,” ông Ngô Sơn Hải nói.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã lập phương án đảm bảo điện trên toàn địa bàn thành phố. Những địa điểm đặc biệt quan trọng sẽ được cấp bằng 2 nguồn điện lưới hoặc có máy phát, thiết bị lưu điện dự phòng.

“EVN HANOI đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường bố trí lực lượng ứng trực 24/24, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng sẵn sàng xử lý mọi tình huống trong các ngày diễn ra họp Quốc hội…,” đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay.

Phía ngành điện cũng khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và các hộ gia đình cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…).

Đặc biệt, người dùng khi sử dụng điều hòa nhiệt độ chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên để vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, hạn chế tình trạng chi phí tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường./.

Trong quý 1, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN đạt 53,65 tỷ kWh, tăng 9,58% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 46,19 tỷ kWh, tăng 9,25% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,2%.

Cũng trong quý 1, tổng sản lượng truyền tải vào miền Nam là 45,71 tỷ kWh, tăng 9,99% so với cùng kỳ năm 2018.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tieu-thu-dien-lien-tuc-tang-nganh-dien-can-su-chia-se-tu-khach-hang/570171.vnp