Tiêu hủy ngà voi tại Hoàng thành Thăng Long: Không nên

Không có lý do gì lại mang những vật phẩm phạm pháp đến để tiêu hủy tại nơi linh thiêng như Hoàng Thành Thăng Long.

Vi phạm Luật di sản

Theo Đề án "Tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác tịch thu từ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật" mà Bộ NN&PTNT vừa hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NN&PTNT đề xuất địa điểm thực hiện là tại Hoàng Thành Thăng Long hoặc khu vực tương đương tại Hà Nội.

Đề xuất tiêu hủy ngà voi lậu tại Hoàng thành Thăng Long

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/4, PGS.TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, việc đưa ngà voi, sừng tê giác đến Hoàng Thành Thăng Long, kể cả các địa điểm tương đương tại Hà Nội mà tiêu hủy là không nên.

Vì đây là khu di tích văn hóa thiêng liêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói rằng nơi đây như bàn thờ tổ tiên của dân tộc. Không có lý do gì mà chúng ta mang những vật phẩm phạm pháp đến để tiêu hủy, chưa kể vấn đề xử lý môi trường vô cùng khó khăn.

Ông Tín cho biết thêm: "Nơi đây chỉ có thể tổ chức các hoạt động có liên quan đến Hoàng Thành Thăng Long và liên quan đến di sản văn hóa dân tộc như Ký ức Hà Nội, Trở về cội nguồn...

Chứ không có di sản văn hóa thế giới nào lại được lựa chọn để tiêu hủy những vật phẩm phạm pháp".

Đề xuất tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác lậu tại Hoàng Thành Thăng Long

Theo ông Tín, Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.

Và khu trung tâm này ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.

"Hiện nay, nó có ý nghĩa truyền thông điệp vào hạng nhất vào nước chúng ta, nên phải để các hoạt động tôn vinh văn hóa, tổ tiên.

Vì trải qua hàng nghìn năm các vương triều sinh sống ở đó, từ thời kỳ từ tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Cho nên, nếu tổ chức tiêu hủy ở đây thì nó sẽ ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh ở nơi đây. Trong khi, chúng ta không thiếu những địa điểm có thể tiêu hủy được những vật phẩm trên", ông Tín nhấn mạnh.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT muốn truyền thông và đưa ra thông điệp ngăn ngừa các hành vi buôn bán động vật hoang dã, nhưng lại tiêu hủy tại nơi linh thiêng, gắn liền với lịch sử cội nguồn dân tộc, thì tác dụng sẽ ngược lại.

Đồng tình quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho hay: "Nếu tiến hành việc tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác buôn bán trái phép tại nơi thiêng liêng như Hoàng Thành Thăng Long là đã vi phạm Luật di sản và các quy định về bảo vệ di sản văn hóa thế giới".

Vi phạm văn hóa

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm với Đất Việt, trước thông tin trên, GS.TS Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: "Khi mà tiêu hủy những vật phẩm phạm pháp, tôi không hiểu vì sao có thể đề xuất đưa về Hoàng Thành Thăng Long, như vậy là vi phạm văn hóa.

Trong khi, các vật phẩm đưa về đây đều phải là những gì tinh khiết nhất, văn hóa nhất, ví dụ đốt nhang, đốt vàng mã ở nơi đó, thì ở nơi tâm linh, có thể chấp nhận được.

Ngà voi là vật quý của con người, nhưng nó vi phạm buôn bán trái phép, thì phải đưa ra các địa điểm khác để tiêu hủy, thay vì nơi linh thiêng như vậy".

Hiện nay, theo ông Chương, chúng ta có vô số các điểm có thể tiêu hủy, thay vì đưa vào Di sản văn hóa thế giới.

Trước giải thích của Bộ NN&PTNT, việc tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác là hành động mang tính chất tượng trưng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống lại vấn nạn buôn bán mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, ông Chương cho rằng, nếu vậy, muốn xử tử những tội phạm, cũng như các vật phẩm vi phạm đều cho vào Hoàng Thành Thăng Long, liệu có hợp lý hay không? Nơi được coi là thiêng liêng nhất của dân tộc.

"Những gì thiêng liêng nhất, văn hóa nhất, phải được đưa vào nơi đây, vì nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay.

Từ trước đến nay, nơi đây vẫn được xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nên hãy trân trọng, nâng niu và gìn giữ những gì tinh khiết nhất", ông Chương chia sẻ thêm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tieu-huy-nga-voi-tai-hoang-thanh-thang-long-khong-nen-3305705/