Tiểu học đã ngụy thành tích, 2 bậc trung học chữa làm sao?

Xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay cần thay đổi tư duy người lãnh đạo, và bậc học được làm nghiêm nhất chính là bậc tiểu học hiện nay.

Thầy Lê.Q. (đề nghị không nêu tên) là một Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại tỉnh Kiên Giang, người thầy luôn được đồng nghiệp đánh giá có năng lực chuyên môn tốt, có nhân cách sống gương mẫu, được phụ huynh và học sinh yêu quý vì cái tâm trong sáng, sự nhiệt huyết tận tâm với học trò.

Cần xóa bỏ căn bệnh thành tích từ bậc học đầu tiên (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Nhà báo và Công luận)

Cần xóa bỏ căn bệnh thành tích từ bậc học đầu tiên (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Nhà báo và Công luận)

Nói về căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục hiện nay, căn bệnh trầm kha khó chữa, thầy Lê.Q. cho rằng: “Chính vì bệnh ngụy thành tích ở cấp 1, cấp 2 nên lên cấp 3 kiến thức học sinh bị hỏng nhiều.

Và cấp 3, chúng tôi có cố gắng, nỗ lực thế nào cũng khó mà kéo được con tàu nặng nề ấy. Không thể bù đắp kịp kiến thức cho học sinh, không thể lấp đầy những kiến thức thiếu hụt, vì vậy sẽ xảy ra tình trạng học sinh cũng ngồi nhầm lớp."

Bệnh ngụy thành tích ở bậc tiểu học là nguy hại nhất

Giáo dục tiểu học được gọi là bậc học nền tảng, có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Bậc học luôn được ví như gốc rễ của cây.

Vì thế, gốc rễ mạnh khỏe, bền chặt, thân cây sẽ phát triển vững chắc và tươi tốt. Ngược lại, gốc rễ mà mục ruỗng, bệnh tật thì thân cây chỉ èo uột, khẳng khiu.

Tuy thế điều đáng buồn nhất hiện nay, bậc học bị căn bệnh ngụy thành tích ngự trị nhiều nhất có thể nói chính là bậc tiểu học. Vì thành tích, học sinh mất dần quyền được ở lại lớp.

Không ít học sinh đọc viết yếu, thậm chí không biết đọc, làm những phép toán cộng trừ cơ bản cũng sai mà vẫn được lùa lên lớp. Điển hình như nhiều trường hợp học sinh lên đến lớp 6 nhưng vẫn không biết chữ đã được báo chí phanh phui trong thời gian vừa qua.

Sản phẩm lỗi của bậc tiểu học, bậc trung học cơ sở cũng buộc phải lùa lên

Kiến thức tiểu học không nắm được, sao có thể học tiếp bậc trung học cơ sở? Một số trường trung học điểm mà tôi từng biết, đầu năm khảo sát học sinh lớp 6 đã có kết quả bất ngờ khi có tới 70% học sinh dưới điểm trung bình 2 môn Toán và Ngữ văn.

Thử hỏi, giáo viên phải dạy thế nào để vực dạy 2/3 số lượng học sinh yếu kém cán mức trung bình? Nếu dạy thật, kiểm tra thật, thi thật sẽ thế nào? Chắc chắn rằng sẽ không thể ít hơn vài chục phần trăm học sinh vẫn yếu kém.

Bởi những học sinh không biết đọc hay đọc ê a, những em không làm nổi 4 phép cộng, trừ, nhân, chia cơ bản thì sao có thể tiếp thu được kiến thức của lớp lớn hơn? Và dù không muốn, học sinh vẫn phải được mỗi năm lên một lớp.

Bậc trung học phổ thông là nơi gánh trọn hậu quả của bệnh thành tích

Nhiều trường trung học phổ thông tuyển sinh vào 10 chỉ với điểm chuẩn 6 hoặc 7 điểm sau khi đã nhân hệ số [(Toán x 2) + (Văn x2) + Anh văn + điểm ưu tiên]. Có nghĩa là, 3 môn thi chỉ cần 0.75 điểm đã đỗ.

Thử hỏi chất lượng học sinh bết bát như thế, giáo viên bậc trung học dù cố gắng có dạy nổi không? Dù dạy không nổi nhưng học sinh vẫn không được cho ở lại lớp thì chỉ còn cách “nhắm mắt” lùa lên.

Và giáo viên lớp trên tiếp tục phải chịu đựng chất lượng của lớp dưới mà chúng tôi quen gọi là “cái nợ đồng lần”.

Bí quyết để nâng chất lượng học tập của học sinh

Thực tế thì thầy cô có giỏi bao nhiêu, có tận tâm, tận lực đến thế nào cũng khó biến một học sinh học yếu, kém căn bản trở nên khá giỏi (trừ học sinh yếu, kém do ham chơi, do gia đình có biến cố mà học hành sa sút tại thời điểm đó).

Nhưng không thể lấy lý do, học yếu để cho ở lại lớp. Vì thế, nhà trường và giáo viên phải trở thành “liên minh” thay đổi chất lượng giáo dục bằng cách:

Thứ nhất, nhà trường tổ chức dạy thêm đại trà vừa tăng thu nhập cho giáo viên, vừa nâng chất lượng cho học sinh.

Thứ hai, giáo viên tăng cường dạy thêm ở nhà để cải thiện điểm số 15 phút, 1 tiết cho học sinh bằng cách những đề kiểm tra 15 phút hay 1 tiết đều cho các em học qua.

Thứ ba, phía nhà trường, hạ mức yêu cầu của đề thi, đề kiểm tra để học sinh đạt điểm khá giỏi nhiều, hạn chế thấp nhất điểm yếu kém.

Thứ tư, giáo viên phải thấm nhuần lời giáo huấn từ cấp trên như việc chất lượng học sinh sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cả trường. Bởi thế, giáo viên không dám cho học sinh điểm thấp và nới tay ban phát khá nhiều điểm khá, giỏi.

Thứ năm, đưa chỉ tiêu thi đua cột vào thành tích của thầy cô. Vì vậy, dù có muốn cũng chẳng nhiều giáo viên dám đánh giá học sinh bằng chất lượng thật.

Ví như kiểm tra miệng lần 1 không thuộc cho cơ hội lần 2, lần 2 không thuộc sẽ cho khất lần 3 và đến khi vẫn không thuộc chính thầy cô buộc phải cấy, xạ điểm vào.

Xóa bỏ căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục hiện nay là việc làm cấp bách của ngành giáo dục dù khó nhưng không thể không làm được.

Đầu tiên, cần thay đổi tư duy người lãnh đạo, và bậc học được làm nghiêm nhất chính là bậc tiểu học. Cây có vững thì cành lá mới tươi tốt. Học sinh học tiểu học mà nắm vững kiến thức thì bậc học nào cũng sẽ học tốt thôi.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tieu-hoc-da-nguy-thanh-tich-2-bac-trung-hoc-chua-lam-sao-post218143.gd