Tiêu đờm, an thai… với món ăn từ hoa hiên

Tiêu đờm, an thai... với món ăn từ hoa hiên

Là loài cây được trồng và mọc hoang khá nhiều nơi, hoa hiên hay còn gọi là hoa kim châm, hoàng hoa, lộc thông, kim trâm thái… Hoa hiên thường có màu vàng cam hoặc vàng đỏ, mùi thơm nhẹ, tràng hoa hình phễu, gồm 6 cánh. Cây thường nở hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên thường được lấy để nấu canh hay xào ăn kèm với cơm. Lá hoa hiên hình sợi, dài khoảng 30 – 50cm, rộng 3 – 5cm, trên mặt có nhiều mạch. Rễ củ hình trụ dài xếp thành chum. Ở một số nơi, người ta thường dùng hoa hiên để làm thuốc nhuộm hoặc dùng cả hoa và lá để làm thuốc chữa bệnh chảy máu cam.

Mang vẻ đẹp bình dị nhưng hoa hiên có chứa nhiều protein, chất béo, tinh bột, vitamin A, vitamin C… rất có lợi cho sức khỏe. Hoa hiên vừa được trồng để làm cảnh, vừa để làm nguyên liệu trong nấu nướng. Ở nước ta, hoa hiên được trồng nhiều ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, ẩm ướt như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… Hoa hiên dùng để ăn sẽ có vị ngọt, thanh nhiệt, tiêu đờm, cầm máu, sáng mắt, an thai… Hoa thường được nấu chung với thịt gà, ăn kèm với các loại rau lẩu hay nấu chung với lươn đều ngon miệng. Lấy bột hoa hiên cho một ít vào nồi canh cá hay canh cua sẽ làm tăng mùi vị thơm ngon và bổ dưỡng cho món ăn hơn. Ngoài hoa, lá thì rễ của hoa hiên cũng được sử dụng khá phổ biến để làm thuốc. Rễ hoa hiên có vị ngọt, tính mát, lợi thủy nên được sử dụng để làm thuốc giảm đau, chữa sốt, viêm gan, vàng da, viêm tai giữa, đau răng…

Những người có chứng chảy máu cam, mỗi khi thời tiết nắng nóng có thể lấy hoa hiên rửa sạch, giã nhỏ, gạn lấy bã đắp vào mũi còn nước thì pha thêm nước ấm vào uống, máu sẽ không còn chảy nữa. Hoặc có thể dùng hoa hiên nấu kèm với lá vông nem, lá dâu tằm hay phơi vừa khô đem sao vàng, sắc nước uống hàng ngày sẽ chữa bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, không nên ăn sống hay sử dụng một lúc quá nhiều hoa hiên sẽ dễ bị ngộ độc, giãn đồng tử, ức chế hô hấp…

Hoa hiên (kim châm) có màu vàng óng, nhìn thoáng qua giống hoa lys. Hoa có quanh năm và có thể sử dụng hoa, lá, rễ tươi hay khô để làm thuốc đều được.

Những người bị viêm gan nên lấy rễ hoa hiên cùng với cam thảo, cây chó đẻ, dành dành và rau mã đề sắc thành nước uống, bệnh vàng da sẽ thuyên giảm.

Lấy rễ hoa hiên sao vàng cùng cây mã đề, râu ngô sắc thành nước uống hàng ngày sẽ giúp cơ thể giải nhiệt rất tốt, nhất là trong tiết trời nắng nóng ngày hè.

Một số món ăn với hoa hiên

Lươn nấu bông kim châm và nấm

Nguyên liệu (cho 4 người):

1 con lươn lớn

100g bông kim châm

50g nấm kim châm, 20g sả băm, 20g tỏi băm, 50ml dầu ăn, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê bột ngọt, 2 thìa súp nước cốt chanh, 2 chén nước nóng

Cách làm:

1. Lươn cho vào chậu xóc đều với muối, nước cốt chanh cho ra hết nhớt, xả sạch, lóc lấy phi lê, bỏ xương. Cắt lươn thành từng miếng vừa ăn, ướp với muối, đường, bột ngọt trong khoảng 20 phút cho thấm gia vị. Bông kim châm rửa sạch, vẩy ráo nước. Nấm kim châm cắt bỏ chân, rửa sạch

2. Cho dầu ăn vào chảo làm nóng, phi thơm tỏi, sả băm, trút lươn vào xào săn, đổ nước nóng vào đun sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Trút bông kim châm, nấm vào, đun sôi trở lại, tắt bếp. Cho lươn nấu kim châm ra tô, dùng kèm với cơm trắng, chấm nước mắm ớt.

Mẹo vặt

Lươn chọn con lớn vừa phải, bụng vàng, lưng đen, đó là lươn đồng, thịt chắc và thơm ngon hơn lươn nuôi.

Hải sản xốt nấm kim châm

Nguyên liệu (cho 4 người):

250g cá chẽm

150g tôm sú lớn

200g bông kim châm, 5g hành tím băm, 10g bơ, 70ml dầu ăn, ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê nước mắm, ½ thìa cà phê bột ngọt

Cách làm:

1. Cá chẽm rửa sạch, xắt miếng vừa ăn, để ráo nước. Tôm bóc nõn vỏ, để phần đầu riêng, chẻ làm đôi, rút chỉ đen. Ướp tôm, cà với một ít muối, tiêu, nước mắm, đường, bột ngọt, 1 thìa súp dầu ăn trước khoảng 35 phút cho thấm. Bông kim châm rửa sạch, vẩy ráo

2. Lấy phần đầu tôm và vỏ tôm cho vào cối giã nhỏ, lược qua rây, lọc lấy nước cốt. Cho dầu ăn vào chảo, cho cá, tôm vào áp chảo cho vàng mặt, trút ra đĩa. Châm thêm dầu ăn, cho hành tím vào phi thơm, trút nước giã tôm vào đun sôi, nêm nếm lại muối, hạt nêm, tiêu xay cho vừa ăn. Chơ bơ vào, khuấy đều, tắt bếp

3. Cho bông kim châm vào đĩa sâu lòng, cho vào xửng hấp trong khoảng 3 phút. Khi bong kim châm chín lẩy ra, xếp vào đĩa sâu lòng, cho tôm, cá lên, rưới nước tôm lên, dùng kèm với cơm trắng.

Mẹo vặt

Cá chẽm và tôm đều nhanh chín nên chỉ cần áp chảo, không chiên quá lâu, thịt tôm và cá sẽ không còn độ dai, ngọt.

Theo Gia đình vào bếp

Thực hiện: depweb

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Noi-tro/Tieu-dom-an-thai-voi-mon-an-tu-hoa-hien/15824.dep