Tiêu điều Lung Ranh

Khu dân cư Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau là dự án tái định cư cho trên 100 hộ dân đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ ven biển phía Tây, với diện tích 7,9ha, vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2011. Hiện tại, các cơ sở hạ tầng ở đây được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng 90 hộ dân trong khu dân cư cất nhà bằng cây lá, trong đó có đến 50% số nhà đã đóng cửa hoặc gửi lại cho người thân trông coi để đi làm thuê ở các địa phương khác.

Do không có việc làm nên nhiều hộ dân ở khu dân cư Lung Ranh đã đóng cửa đi nơi khác làm ăn. Ảnh: Anh Vy

Do không có việc làm nên nhiều hộ dân ở khu dân cư Lung Ranh đã đóng cửa đi nơi khác làm ăn. Ảnh: Anh Vy

Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Công an ấp Lung Ranh cho biết: Gia đình ông cũng thuộc diện được di dời từ mé biển vào khu dân cư này. Theo dự án, mỗi hộ vào khu dân cư được cấp 300m2 đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà. Số tiền này không đủ nên đa số hộ dân phải cầm cố sổ đất để vay mượn thêm tiền làm nhà. Căn nhà nhỏ nhất ở đây cũng phải xây dựng từ 40-60 triệu đồng mới ở được. Có nhà ở rồi, nhưng không có việc làm, nhiều hộ dân đã đóng cửa, hoặc gửi nhà cho người thân để đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm thuê.

Ông Lân đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Toàn và chị Trần Ngọc Ảnh, nhưng ở nhà chỉ có mẹ vợ anh Toàn là bà Trần Thị Cao, trú tại ấp 4, xã Khánh Lâm đang trông nhà và giữ 2 đứa cháu nhỏ. Bà Cao cho biết, anh Toàn và chị Ảnh từ khi vào khu dân cư này ở, không có việc làm nên phải vay mượn tiền với lãi suất cao của họ hàng để đầu tư mua xuồng máy làm nghề câu mực mé nhưng vẫn không đủ chi phí xăng dầu. Nợ nần không trả được mà lãi suất ngày càng tăng nên phải kéo xuồng lên bờ và đi Bình Dương làm thuê.

Ôm đứa cháu ngoại vào lòng, bà Cao xúc động cho biết thêm, Tết vừa rồi vợ chồng nó (anh Toàn, chị Ảnh) về nhà ăn Tết nhưng không có tiền, có người anh em họ sang chơi cho 500 ngàn đồng, nhờ vậy mà có tiền mua gạo và thức ăn trong ba ngày Tết. Con cái nó cũng không có bộ quần áo mới, thấy mà thương cháu. Xong Tết, hai vợ chồng lại phải vay tiền mua vé xe đi lên Bình Dương làm thuê.

Bên cạnh nhà anh Toàn là hai vợ chồng ông Trần Văn Dân, 73 tuổi và bà Bùi Thị Mùi, 62 tuổi, cũng là người dân tộc Khmer ở xã Khánh Hòa, vì hoàn cảnh nghèo nên về đây ở với con rể. Nói là ở với con cái, nhưng từ hơn 1 năm nay, vợ chồng con rể cũng đi làm thuê ở tận Đồng Nai. Hằng ngày, ông bà Dân phải đi đào đất, kéo đất thuê cho dân trong vùng để kiếm sống qua ngày. Ông Dân cho biết, hai vợ chồng già thường xuyên đi khắp nơi trong vùng hỏi xin việc làm, có khi 3 - 4 ngày mới có người thuê. Ngặt nỗi, già yếu rồi nên người ta cũng không muốn thuê. Thấy hoàn cảnh khổ quá nên có lúc người ta kêu đại, nhưng mỗi ngày cả hai ông bà chỉ kiếm được từ 20 - 40 ngàn đồng.

Theo ông Lân, hiện tại, dân trong khu dân cư này chỉ có người già, trẻ em, còn thanh niên và những người còn sức lao động thì đã đi làm thuê ở các tỉnh miền Đông, số khác tìm về các cửa biển để làm ngư phủ. Nhiều con em ở đây đã bỏ học, còn điểm trường Tiểu học Kim Đồng tại địa bàn, học sinh cũng thưa dần. Để duy trì được lớp học, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương, nhất là cán bộ của Đồn BP Khánh Hội đã tìm đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con em họ được đến trường học.

Cán bộ Đồn BP Khánh Hội và chính quyền địa phương vận động nhân dân tìm cách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại khu dân cư Lung Ranh. Ảnh: Anh Vy

Ông Phạm Công Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm công ăn việc làm cho số hộ dân trong khu dân cư Lung Ranh, bởi đa số là người từ các địa phương khác được di dời về đây. UBND xã cũng đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện để bà con an tâm cư trú làm ăn. Huyện đã mở một số lớp dạy nghề, nhưng đến nay vẫn không tìm được việc làm theo nghề đã học. Một số có phương tiện nhỏ hoạt động đánh bắt gần bờ nhưng kém hiệu quả, vì thế người dân phải bỏ nghề. Nhưng nếu có vốn đầu tư đóng phương tiện lớn, thì họ lại không có tay nghề và kỹ thuật đánh bắt. Chúng tôi cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mở các cơ sở làm cá khô, đan lưới hoặc các nghề phù hợp để giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Được biết, khu dân Lung Ranh là một trong 3 dự án tái định cư rừng phòng hộ biển phía Tây, huyện U Minh gồm: Vàm Tiểu Dừa, vàm Hương Mai (xã Khánh Tiến), vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội). Các dự án đã hoàn thành, dân đã vào khu tái định cư, có nhà nhưng ít người ở. Điểm chung của các dự án ở đây đều không hiệu quả, dân chỉ vào cư trú một thời gian rồi lại bỏ đi nơi khác, hoặc quay trở về những nơi cư trú trước đây để mưu sinh.

Nhiều khu tái định cư trở nên hoang tàn, mặc dù nguồn vốn đầu tư của Nhà nước lên hàng trăm tỷ đồng. Tất cả đều vướng ở khâu tạo công ăn việc làm tại chỗ cho dân vào khu ở mới. Tái định cư nhưng làm sao để dân "an cư" đang là bài toán khó cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau.

Anh Vy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tieu-dieu-lung-ranh/