Tiêu diệt al-Baghdadi IS có suy yếu?

Cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã được chính lực lượng khủng bố này xác nhận. Tuy nhiên, IS cũng đồng thời tuyên bố đã bầu ra một thủ lĩnh mới. Vậy tương lai của tổ chức này sẽ thế nào, cái chết của al-Baghdadi có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức này như thế nào?

Theo nhiều cách, IS đã phát triển. Các cấp lãnh đạo của nó đã tỏ ra kiên cường dù hơn 5 năm chiến tranh. Nó đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới: Không còn khả năng chiếm giữ lãnh thổ, những chiến binh còn sống của nó đã quay về quê nhà, thực hiện các cuộc phục kích, ném bom và ám sát. Và mặc dù mất lãnh thổ ở Iraq và Syria, IS đã mở rộng phạm vi thành 14 chi nhánh riêng biệt ở các quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi.

Rắn nhiều đầu

Về lâu dài, các nhà phân tích cho biết, điều có thể có ý nghĩa nhất về cuộc đột kích tiêu diệt al-Baghdadi không phải là việc khiến tổ chức này "mất đầu", mà là sự dễ dàng thay thế lãnh đạo của nó. Nhóm này, giống như Al-Qaeda ở Iraq, thường xuyên bổ nhiệm các chỉ huy mới để lấp đầy khoảng trống do những người bị tiêu diệt để lại. Sự thay thế xảy ra đều đặn đến mức cộng đồng hoạt động đặc nhiệm của Mỹ nói đùa rằng việc IS loại bỏ các nhà lãnh đạo cũng như người ta đang cắt cỏ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo theo dõi chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo theo dõi chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi.

"Cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi mặc dù có thể là một đòn thảm khốc đối với IS, nhưng nó không ảnh hưởng tới chất lượng lãnh đạo của tổ chức này", ông Michael Nagata, Trung tướng quân đội và là Giám đốc chiến lược Trung tâm Chống khủng bố quốc gia đã nghỉ hưu, nói.

Ông Michael Nagata từng phục vụ ở Trung Đông với tư cách là chỉ huy hoạt động đặc biệt vào năm 2014 trong chiến dịch chống IS. Nagata cho biết IS hiện có một thế hệ lãnh đạo trẻ cứng rắn hiếu chiến, đang trèo lên những vị trí đứng đầu và chứng tỏ mình trong mạng lưới của nhóm khủng bố toàn cầu. "IS không trở thành một tổ chức què quặt vì al-Baghdadi đã biến mất", ông nói. "Theo đánh giá của tôi, độ sâu và bề rộng của lãnh đạo IS là chưa từng có đối với loại nhóm khủng bố này".

Kể từ những ngày đầu tiên Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống ISIS, các lực lượng hoạt động đặc biệt và các cơ quan tình báo đã săn lùng và giết chết từng người một trong các nhóm lãnh đạo của nó. Nhưng nó giống như con rắn nhiều đầu, mất đầu này lại mọc đầu khác.

Aki Peritz, cựu chuyên gia phân tích chống khủng bố của CIA, nói rằng các chiến dịch chống khủng bố đã giết chết Bin Laden và tàn phá Al-Qaeda.

"Việc tiêu diệt các thủ lĩnh của các tổ chức khủng bố là tốt, nhưng đó không chỉ là một nhóm khủng bố mà là một ý thức hệ. Dập tắt ý tưởng của Nhà nước Hồi giáo sẽ khó khăn hơn nhiều so với một hoạt động quân sự/tình báo thành công", Peritz nói.

Cụ thể, Al-Qaeda vẫn tồn tại sau khi người sáng lập Osama bin Laden bị giết trong một cuộc đột kích của Hải quân SEAL năm 2011. Và Al-Qaeda ở Iraq tiếp tục phát triển thành IS sau khi người sáng lập, Abu Musab al-Zarqawi, bị giết trong cuộc không kích năm 2006 của Mỹ.

Lãnh đạo mới

Cho tới nay, IS đã công bố người lãnh đạo mới, một cái tên "lạ hoắc: Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurayshi. Gần như không ai từng biết tới cái tên al-Qurayshi, bao gồm cả tên thật của hắn, trong khi các chuyên gia chống khủng bố bắt đầu lục lọi tìm hiểu xem kẻ này là ai.

Ông Daniele Raineri, nhà báo kiêm phân tích gia đã nghiên cứu về cơ cấu thủ lĩnh của IS suốt hơn một thập kỷ qua, nói rằng các thủ lĩnh của IS thường lấy một tên chiến đấu mới sau khi nhận chức vụ này, có nghĩa rằng chỉ mới tuần trước có lẽ kẻ có tên là al-Qurayshi này đã sử dụng một tên khác. Tên gọi al-Qurayshi trong tên của kẻ này chỉ ra rằng hắn được xem là hậu duệ của bộ lạc Qurayshi của Nhà tiên tri Muhammad, một dòng dõi mà IS cho là được sinh ra để trở thành nhà vua Hồi giáo (Caliph), hoặc người cai trị một chế độ thần quyền Hồi giáo. Việc đặt tên này cũng cho thấy IS vẫn tiếp tục nhận mình là một "Nhà nước Caliphate" - dù hiện tại không còn lãnh thổ.

Nhưng bất kể lãnh đạo thực chất là ai, nhóm cực đoan Sunni giờ đây chỉ là cái bóng của tổ chức đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng ở Iraq và Syria dẫn đến việc chiếm giữ lãnh thổ có quy mô ngang ngửa nước Anh và thu về hàng triệu đô la mỗi ngày. Tuy nhiên, những hạt giống cho sự hồi sinh vẫn còn.

Hiện trường vụ tấn công tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi.

Theo một báo cáo gần đây của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, IS có từ 14.000 - 18.000 thành viên, những người đã cam kết trung thành với al-Baghdadi. Ngoài ra, có hơn 30 trại tạm giam chứa khoảng 11.000 chiến binh IS, cảm tình viên và các tù nhân liên quan khác trên khắp miền Bắc Syria.

Một trại khác dành cho những người di tản nội bộ được gọi là al-Hol, ở phía đông bắc Syria, chứa gần 70.000 người, bao gồm hàng ngàn thân nhân của thành viên IS. Quân đội Mỹ đã báo cáo vào tháng 2 rằng nếu không chịu áp lực, nhóm khủng bố sẽ tái xuất hiện ở Syria trong vòng 6 - 12 tháng.

Hơn nữa, ISIS vẫn là một mối đe dọa trên toàn thế giới vì nhóm này có nhiều nhánh liên kết ở những nơi xa xôi như Nigeria và Pakistan, theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington. Sự hiện diện toàn cầu của các nhóm IS cung cấp chỗ đứng để tiếp tục di căn, tiến hành các cuộc tấn công và giành lấy các nguồn lực để tài trợ cho sự hồi sinh của nó ở Iraq và Syria, báo cáo cho biết, ghi lại các kế hoạch gần đây cho các cuộc tấn công vào phương Tây xuất phát từ các chi nhánh ở Libya, Somalia và Philippines.

Tuy nhiên, cái chết của các nhà lãnh đạo chiến binh thường dẫn đến rạn nứt trong các tổ chức khủng bố và những hướng đi mới trong chiến lược, theo Norman T. Roule, cựu sĩ quan CIA cấp cao có kinh nghiệm về các vấn đề ở Trung Đông. "Sau cái chết của al-Baghdadi, các nhóm IS ở nước ngoài có thể đi theo một số hướng", ông nói.

"Một số nhóm có thể quyết định hòa giải với Al-Qaeda, một số có thể quyết định thực hiện các hoạt động trả thù để chứng minh rằng IS vẫn còn mạnh. Một số hoạt động theo kế hoạch có thể được tăng tốc nếu các nhà lãnh đạo tin rằng tình báo giúp phát hiện al-Baghdadi cũng có khả năng tìm ra chúng".

IS 2.0

Colin P. Clarke thuộc Trung tâm Soufan và là tác giả của "Sau Caliphate: Nhà nước Hồi giáo và Tương lai của khủng bố Diaspora", nói rằng đã có dấu hiệu của một IS 2.0. "Vẫn chưa rõ cái chết của Baghdadi có thể làm trầm trọng thêm những thay đổi đang diễn ra hay không. Baghdadi là gương mặt đại diện cho thương hiệu IS. Ông ta nhận được sự sùng bái cá nhân", Clarke nói.

Sinh ra trong một gia đình Hồi giáo Sunni thuộc tầng lớp trung lưu sùng đạo ở Iraq năm 1971, Ibrahim Awwad Ibrahim al-Badri, người nhiều năm sau lấy tên là al-Baghdadi, là một đứa trẻ bình thường, nhút nhát. Ông ta không bao giờ xuất sắc nhận được học bổng tôn giáo nhưng có tài năng trong việc đọc thuộc các câu Kinh Koran.

Khi học đại học và sau đại học, ông đã nghiên cứu phong cách và kỹ thuật đọc Kinh Koran, và đã viết một luận văn thạc sĩ về một bài bình luận thời Trung cổ về chủ đề này. Trình độ tôn giáo danh nghĩa của al-Baghdadi và giáo điều cứng nhắc đã đưa ông ta nhanh chóng vượt qua những người khác, và vào tháng 5-2010, sau khi Mỹ giết chết 2 người có cấp bậc cao hơn ông ta, ông ta nổi lên như một tiểu vương.

Cùng với các mục tiêu lãnh thổ đầy tham vọng của mình ở Trung Đông, al-Baghdadi đã xây dựng một tầm nhìn khải huyền về một trận chiến cuối cùng giữa các lực lượng Hồi giáo cực đoan và phương Tây.

Trong một bài giảng Ramadan vào giữa năm 2014, ông đã tuyên bố chế độ nô lệ cho tình trạng phổ quát của con người: Các tín đồ Hồi giáo là những người ký giáo ước với Allah, trong khi những người không tin là tài sản hợp pháp của người Hồi giáo. Ông cũng cho biết thời gian tử vong của mỗi người đều đã được định trước, ngụ ý rằng tất cả các vụ giết người là ý chí của Allah.

Giáo lý này đã mở đường cho người phát ngôn chính của ông gửi thông điệp sau tới những người ủng hộ IS ở khắp mọi nơi vài tháng sau đó: "Nếu bạn có thể giết một người Mỹ hay người châu Âu không tin tưởng, thì hãy giết, cho dù đó là dân thường hay quân nhân".

Anh Khôi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tieu-diet-al-baghdadi-is-co-suy-yeu-569058/