Tiêu điểm quốc tế trong tuần: Đấu khẩu Mỹ-Trung tại Alaska, vaccine AstraZeneca 'an toàn', EU-Anh lại 'có biến'

Thế giới trong tuần này chứng kiến hoạt động ngoại giao sôi động của Mỹ với chuyến công du của hai Bộ trưởng Mỹ tới châu Á, đối đầu Mỹ-Trung ở Alaska trong khi EU và Anh dấy căng thẳng mới liên quan pháp lý còn vaccine AstraZeneca có kết quả tích cực...

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung "chẳng đi đến đâu"

Từ ngày 18-19/3, các quan chức cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc gặp cấp cao tại thành phố Anchorage, bang Alaska, thảo luận về một loạt vấn đề trong quan hệ song phương cũng như quốc tế.

Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cuộc gặp cấp cao kéo dài 2 ngày xoay quanh nhiều vần đề nổi cộm như thương mại, đại dịch Covid-19, những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và an ninh mạng. Đáng chú ý, ngay trong ngày đầu tiên đã diễn ra màn "khẩu chiến" chỉ trích lẫn nhau giữa hai bên.

Trước thềm cuộc gặp, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được. Quả nhiên như vậy, cuộc gặp không đưa ra bất cứ tuyên bố mang tính đột phá nào. Hai bên hầu như đạt được rất ít sự đồng thuận, thậm chí có quan điểm khác nhau ngay ở cách định nghĩa về cuộc gặp lần này.

Trong khi Trung Quốc cho rằng đây là "cuộc đối thoại chiến lược" đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng, thì Ngoại trưởng Blinken đã bác bỏ và gọi đây là phiên họp một lần, chứ không phải khởi đầu của hàng loạt cuộc họp tương tự sau này.

Ngay trước thềm cuộc gặp, chính quyền Mỹ ngày 17/3 đã áp lệnh trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc và đặc khu Hong Kong vìcáo buộc Bắc Kinh gia tăng tác động vào hệ thống chính trị đặc thù của Hong Kong.

Đối thoại tại Alaska là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa quan chức hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất. Việc cuộc họp kết thúc mà không đưa ra bất cứ tuyên bố nào cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn nhiều việc phải làm để tìm thấy điểm chung.

Vaccine AstraZeneca được khẳng định “an toàn và hiệu quả” sau cuộc điều tra của Cơ quan dược phẩm của EU. (Nguồn: Getty)

Vaccine AstraZeneca được khẳng định “an toàn và hiệu quả” sau cuộc điều tra của Cơ quan dược phẩm của EU. (Nguồn: Getty)

Vaccine AstraZeneca “an toàn và hiệu quả”

Ngày 18/3, trong cuộc họp khẩn cấp về vấn đề vaccine AstraZeneca, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) Emer Cooke đã khẳng định vaccine ngừa bệnh Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) là chế phẩm "an toàn, hiệu quả" và không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tạm ngừng việc sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm chủng cho người dân sau khi xuất hiện một số trường hợp bị đông máu.

EMA đã phải điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU.

Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục.

EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vaccine trước đó.

Những kết luận trên đã giải tỏa nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này. Ngay sau đó, nhiều nước lớn trong EU thông báo sẽ nối lại việc tiêm chủng vaccine của AstraZeneca. Đức, Pháp và Italy nối lại việc tiêm chủng vaccine của AstraZeneca từ ngày 19/3.

Trước khi EMA công bố kết quả cuộc điều tra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo rằng không có bằng chứng liên quan giữa các sự cố y tế với vaccine AstraZeneca và tiếp tục kêu gọi các nước không dừng chương trình tiêm chủng.

Vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 được phát triển với sự hợp tác của Đại học Oxford (Anh) và được EU cấp phép sử dụng ngày 29/1. Đến nay, hơn 10 triệu người đã tiêm vaccine của AstraZeneca, và thống kê cho thấy tỷ lệ xảy ra hiện tượng máu đông là rất thấp.

Nhân viên hải quan kiểm tra phương tiện giao thông tại cảng Larne, Bắc Ireland. (Nguồn: CNN)

EU "kích hoạt" căng thẳng mới với Anh

Ngày 15/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã thực hiện hai tiến trình pháp lý nhằm vào Anh với cáo buộc nước này vi phạm Nghị định thư về Bắc Ireland mà hai bên đã thống nhất trong thỏa thuận Brexit.

Theo đó, EU đã gửi thư thông báo chính thức để kích hoạt một quy trình xử lý vi phạm lên tòa án EU. Tòa án có thể sẽ cho hai bên thời gian một năm để tìm cách hòa giải trước khi đưa vụ việc ra xét xử và tuyên bố phán quyết.

Trước đó, ngày 3/3, Anh thông báo đã gia hạn việc hoãn kiểm tra hải quan với thực phẩm từ Anh tới Bắc Ireland. Thực phẩm có thể được chuyển từ Anh tới Bắc Ireland mà không cần kiểm tra hải quan cho đến ngày 1/10/2021, thay vì vào cuối tháng 3 như Anh và EU đã thống nhất.

EU cáo buộc quyết định gia hạn này vi phạm thỏa thuận song phương về Brexit vì Anh đã đơn phương thay đổi nghị định thư về Bắc Ireland.

Trong khi đó, London khẳng định không vi phạm những nguyên tắc của nghị định thư, đồng thời lập luận rằng các biện pháp trên chỉ mang tính kỹ thuật và tạm thời.

Anh cho rằng việc tạm hoãn 6 tháng kiểm tra hải quan với thực phẩm Anh là cần thiết cho các doanh nghiệp như các siêu thị, các nhà vận chuyển hàng hóa có thêm thời gian thích nghi và triển khai quy định mới.

Động thái trên đánh dấu thêm một căng thẳng mới trong quan hệ giữa EU và Anh thời hậu Brexit, chỉ hai tháng sau khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sau thời gian đàm phán chông gai và 15 tháng sau khi Anh rời EU.

Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và CH Ireland (một thành viên của EU).

Hai bên thống nhất miễn kiểm tra hải quan với các thực phẩm và nông sản từ Anh vào Bắc Ireland trong ba tháng đầu năm 2021, giúp doanh nghiệp Bắc Ireland có thời gian chuẩn bị thích nghi với các quy định mới.

Chưa biết vụ kiện của EU nhằm vào Anh sẽ diễn biến tới đâu, song điều này có thể ảnh hưởng tiến trình thực thi thỏa thuận giai đoạn hậu Brexit giữa hai bên. Trong bối cảnh cả EU và Anh đều phải gây dựng niềm tin trong giai đoạn hợp tác thương mại thời hậu Brexit vì lợi ích chung, các bên cần tránh gây thêm căng thẳng.

Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc họp 2+2 tại thủ đô Seoul ngày 18/3. (Nguồn: AP)

Thông điệp đằng sau chuyến công du châu Á

Từ ngày 15-18/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ trên cương vị mới tới Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động, việc hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm đến cho chuyến "xuất ngoại" đầu tiên được xem là bước đi có chủ ý nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á.

Thông qua chuyến thăm, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng muốn phát đi thông điệp rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Đến Nhật Bản, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã tham dự Đối thoại chiến lược và an ninh với những người đồng cấp nước chủ nhà theo cơ chế Đối thoại 2+2. Các bộ trưởng đã trao đổi về những biện pháp củng cố quan hệ đồng minh, vấn đề Triều Tiên và Myanmar, phương thức ứng phó đại dịch Covid-19...

Sau Nhật Bản, hai bộ trưởng Mỹ tiếp tục tới Hàn Quốc trong ngày 17/3 để gặp gỡ Ngoại trưởng Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc họp cấp cao sau 5 năm. Ngoài quan hệ đồng minh, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là một trọng tâm của chương trình nghị sự.

Sau khi rời thủ đô Seoul, Ngoại trưởng Blinken trở về Mỹ, gặp quan chức ngoại giao của Trung Quốc tại Alaska còn Bộ trưởng Quốc phòng Austin bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ 19-21/3, dự kiến gặp người đồng cấp nước chủ nhà Rajnath Singh, Ngoại trưởng S Jaishankar và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval.

Ông Austin là bộ trưởng đầu tiên trong chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ấn Độ. Những nội dung chính trong chương trình nghị sự dự kiến bao gồm các vấn đề hợp tác quân sự Ấn Độ-Mỹ và các thỏa thuận quốc phòng trong thời gian tới, tiến trình hòa bình Afghanistan...

Theo các nhà phân tích, chuyến công du châu Á của hai quan chức cấp cao Mỹ nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao đáng chú ý hướng đến châu Á mà chính quyền Tổng thống Biden đang triển khai. Chuyến thăm này cũng là sự kiện tiếp nối ngay sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Với một chương trình nghị sự dày đặc như vậy, các nhà phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Biden không chỉ nỗ lực củng cố mối quan hệ với các đồng minh, đối tác vốn bị rạn nứt vì chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, mà còn cho thấy cam kết sâu sắc của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau nội chiến ở Syria 10 năm trước, người dân vẫn là nạn nhân của bạo lực, khủng bố, chia cắt, khủng hoảng kinh tế nhân đạo. (Nguồn: UNICEF)

Liên hợp quốc kêu gọi sớm chấm dứt "cơn ác mộng" ở Syria

Ngày 15/3 đánh dấu thời điểm khởi phát cuộc nội chiến ở Syria 10 năm trước. Xung đột đến nay đã khiến hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người phải sống tị nạn, hạ tầng cơ sở đất nước bị tàn phá, hơn một nửa số dân số lâm vào cảnh đói nghèo.

Trong phát biểu nhân dịp 10 năm cuộc xung đột ở Syria, ngày 15/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ví cuộc nội chiến đẫm máu và dai dẳng này như “cơn ác mộng giữa đời thường”.

Bởi lẽ, những gì người dân Syria đang gồng mình chống chọi được xem là vượt quá sức chịu đựng của con người và có thể gây sốc với lương tâm của nhân loại.

Tại cuộc họp định kỳ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/3, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ông Geir Pedersen cũng cảnh báo, tình hình Syria hiện nay là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử thế giới đương đại.

Một thập niên sau xung đột, dù các lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ bị các nhóm đối lập chiếm giữ, song tiếng súng vẫn chưa ngưng, hậu quả chiến tranh còn nặng nề.

Đất nước Syria vẫn trong cảnh hoang tàn và đổ máu. Người dân vẫn là nạn nhân của bạo lực, khủng bố, chia cắt, khủng hoảng kinh tế nhân đạo.

Với 6 trong tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á, các vụ xả súng gây chấn động mạnh với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. (Nguồn: Getty)

Mỹ: Xả súng tại Atlanta, người gốc Á lo ngại

Chiều ngày 16/3, tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) đã xảy ra loạt vụ xả súng tấn công vào 3 tiệm massage, khiến 8 người thiệt mạng.

Cụ thể, 4 người chết và một người bị thương trong vụ xả súng tại một tiệm massage ở hạt Cherokee, ngoại ô Atlanta. Trong khi đó, các vụ xả súng riêng rẽ xảy ra tại hai tiệm khác ở phía Đông Bắc thành phố Atlanta, làm 4 người chết.

Đáng chú ý là với 6 trên tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á, các vụ xả súng đã gây chấn động mạnh với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thời gian gần đây.

Ngay sau đó, cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm trong vụ xả súng là Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi. Long bị cáo buộc 8 tội danh giết người. Tuy nhiên, tên này phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc.

Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Riêng trong năm 2020 có gần 3.800 vụ việc chống người gốc Á.

Đại diện cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tại Atlanta Sam Park cho biết, trong năm qua nhiều người trong cộng đồng đã thiệt mạng vì bạo lực gia tăng và tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau loạt vụ xả súng trên, Tổng thống Joe Biden ngày 18/3 đã chỉ thị treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các địa điểm thuộc quyền quản lý của chính phủ liên bang để tưởng niệm các nạn nhân.

Hiện các nhà điều tra cũng đang nỗ lực xác định mối liên hệ giữa ba vụ xả súng trên. Vụ việc này cũng tiếp tục làm dấy lên quan ngại về nạn bạo lực súng đạn cũng như việc sở hữu súng đạn tại Mỹ.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vừa thông qua 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng nhằm thắt chặt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật kiểm soát súng. Điều này phần nào đã mang lại tín hiệu tích cực và niềm tin về một nước Mỹ an toàn hơn sau rất nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tieu-diem-quoc-te-trong-tuan-dau-khau-my-trung-tai-alaska-vaccine-astrazeneca-an-toan-eu-anh-lai-co-bien-139809.html