Tiêu điểm quốc tế trong tuần: Đàm phán JCPOA hiệu quả, Nga-Ukraine bên bờ chiến sự, EU-Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực 'làm lành'

Thế giới tuần này chứng kiến những tiến triển tích cực trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, cuộc gặp lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang...

Cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA ngày 6/4 được đánh giá là một bước đi mang tính xây dựng, đáng hoan nghênh và hữu ích. (Nguồn: BBC)

Cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA ngày 6/4 được đánh giá là một bước đi mang tính xây dựng, đáng hoan nghênh và hữu ích. (Nguồn: BBC)

Đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo)

Ngày 6/4, Iran và các nước tham gia Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức đã có cuộc đàm phán trực tiếp do Ủy ban Hỗn hợp về JCPOA tổ chức tại Vienna (Áo), nhằm tìm cách cứu vãn thỏa thuận đang trên bờ vực sụp đổ.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Iran nhiều lần chỉ trích châu Âu không thực thi cam kết bảo vệ lợi ích của Tehran trước lệnh trừng phạt của Mỹ còn Mỹ thì vẫn kiên quyết sử dụng biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép, đòi Iran tuân thủ mọi cam kết trước khi xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Việc yêu cầu đối phương đưa ra hành động trước khiến cả Mỹ và Iran không thể khởi động đối thoại, đẩy JCPOA vào bế tắc.

Sau cuộc đàm phán ngày 6/4, các bên đã thống nhất giao cho hai Ủy ban chuyên gia làm việc song song. Theo đó vào ngày 9/4, nhóm công tác của Ủy ban đầu tiên xem xét cách Mỹ có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cụ thể là bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với Iran sau khi Mỹ rút lui.

Nhóm Ủy ban thứ hai sẽ nghiên cứu cách Iran có thể trở lại tuân thủ thỏa thuận ra sao, với việc yêu cầu nước này một lần nữa hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đánh giá việc hai bên thiết lập hai nhóm làm việc là một bước tiến đáng hoan nghênh. Ông Ned Price nhận định dù không họp trực tiếp với Iran, nhưng cuộc đàm phán này là một bước đi mang tính xây dựng và hữu ích.

Cho rằng các cuộc đàm phán tại Vienna đã có kết quả, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9/4 hy vọng rằng Tehran sẽ thể hiện thái độ mang tính xây dựng hơn trong các cuộc đàm phán được lên lịch vào tuần tới.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá các cuộc đàm phán đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn JCPOA và nếu (Washington) thể hiện sự chân thành và thiện chí thì quá trình đàm phán có thể sẽ không kéo dài.

Nga điều động lực lượng áp sát biên giới với miền Đông Ukraine. (Nguồn: TASS)

Nga, Ukraine leo thang căng thẳng

Căng thẳng tại khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine đang cực kỳ căng thẳng khi đều triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, đồng thời Moscow sẵn sàng hỗ trợ phe chống đối Kiev đang kiểm soát vùng Donbas.

Thậm chí, ngày 8/4, Nga tuyên bố sẽ không rút quân khỏi đây và để ngỏ khả năng sẽ hành động khi cần thiết.

Hai bên đều cáo buộc nhau về sự gia tăng bạo lực giữa lực lượng chính phủ và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine dẫn đến lệnh ngừng bắn bị phá hoại.

Hình ảnh lan truyền cho thấy xe tăng lăn bánh trên các tuyến phố ở thành phố Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine trong những ngày gần đây khi nước này cho rằng Nga đang gia tăng các hành động khiêu khích ở các khu vực biên giới.

Để tạo sức ép với Moscow, Kiev tiếp tục công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này. Trong khi đó, NATO đang thể hiện sự thận trọng trước yêu cầu của Ukraine.

Theo yêu cầu của Ukraine, một cuộc họp khẩn cấp của nhóm liên lạc ba bên (TCG) về tình hình Donbass đã được tổ chức ngày 7/4 để thảo luận về các vụ vi phạm ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Song theo đặc phái viên của Nga tại TCG, ông Boris Gryzlov, cuộc họp đã kết thúc sau 4 tiếng mà không đạt kết quả nào đáng kể.

Những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột khiến 14.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 diễn ra không dễ dàng. Thỏa thuận Minsk, được đàm phán ở thủ đô Belarus vào năm 2015, đã chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất nhưng những bất đồng trong việc thực hiện khiến xung đột vẫn âm ỉ trong những năm qua.

IMF một lần nữa tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên mức 6% trong năm 2021. (Nguồn: Daily Sabah)

Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn

Ngày 6/4, tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF đã đưa ra báo cáo về triển vọng kinh thế thế giới (WEO) mới nhất, theo đó IMF một lần nữa tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên mức 6% trong năm 2021.

Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, phần lớn là nhờ các chính sách chưa từng thấy của các nước nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Mức tăng trưởng nói trên cao hơn con số 5,5% được dự báo cách đây gần 3 tháng, cao hơn mức 5,1% đưa ra trong dự báo hồi cuối tháng 1/2021 và cao gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 10/2020.

Việc IMF nâng dự báo tăng trưởng cho thấy triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu. Nếu dự báo của IMF trở thành hiện thực, con số này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 1976.

Báo cáo mới của IMF cho thấy sự khác biệt lớn giữa triển vọng kinh tế của Mỹ và nhiều nước khác, nhờ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mới nhất của Washington.

Trong khi các nền kinh tế phát triển khác như Đức, Pháp và Nhật Bản đều đang vật lộn với khó khăn từ tháng 1, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 4,3% lên 5,1% trong năm nay. Mỹ sẽ cùng với Trung Quốc là những nước có GDP vượt quá mức đã đạt được trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát...

Nhìn chung, IMF cho rằng việc triển khai tiêm phòng vaccine cùng với các gói hỗ trợ lớn ở nhiều nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức kỷ lục trong năm nay sau một thời gian suy thoái do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên mức độ phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều ở các nước khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại thủ đô Ankara ngày 6/4. (Nguồn: Reuters)

Cơ hội 'tan băng' quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 6/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành hội đàm với Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara.

Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên kể từ khi ông Erdogan thực hiện chuyến công du tới Brussels vào tháng 3/2020.

Chuyến thăm trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU liên tục đối mặt với nhiều thách thức do sự khác biệt trong quan điểm giữa hai bên. Là một ứng cử viên gia nhập EU từ năm 1999 song Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đứng ngoài khối này.

Năm vừa qua đã chứng kiến khá nhiều sóng gió giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các hoạt động thăm dò dầu khí của Ankara ở phía Đông Ðịa Trung Hải cũng như các chính sách đối với khu vực Trung Ðông-Bắc Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 3/2021, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua cách tiếp cận “dần dần, có điều kiện và có thể đảo ngược”, song yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm leo thang căng thẳng, nhất là giải quyết tranh chấp với hai thành viên EU là Hy Lạp và Cyprus, rút quân khỏi Libya. Nếu không tuân thủ các quy tắc, Thổ Nhĩ Kỹ có thể sẽ phải chịu thêm các biện pháp trừng phạt từ EU.

Tại cuộc gặp hôm 6/4, cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ đều ưu tiên xúc tiến các biện pháp xây dựng lòng tin. Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ sẵn sàng phối hợp Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến một chương trình nghị sự cụ thể, tập trung thúc đẩy hợp tác về kinh tế và vấn đề di cư.

Nhằm thực hiện giấc mơ gia nhập "ngôi nhà chung" châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện thiện chí rõ hơn trong hợp tác với EU về một loạt lĩnh vực, trong đó có vấn đề di cư. EU cũng có phát tín hiệu hồi đáp tích cực, vì những lợi ích chung của cả hai bên.

Đây là những bước tiến tích cực cho thấy thiện chí cải thiện quan hệ giữa hai bên, đánh dấu sự 'tan băng' trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, mở ra cơ hội hóa giải mâu thuẫn, tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác hai bên trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20 ngày 7/4. (Nguồn: G20.org)

Nhóm G20 thể hiện trách nhiệm dẫn dắt thế giới

Ngày 7/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 diễn ra theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận cách hợp tác về chính sách kinh tế để cùng phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoãn nợ cho các nước nghèo và đề ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Các nước G20 đã nhất trí tiếp tục giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới đến tháng 12/2021 nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế. Chương trình này được áp dụng vào tháng 4/2020 và gia hạn lần đầu vào tháng 10/2020, đến hết ngày 30/6/2021.

Theo các Bộ trưởng G20, đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng, tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo huy động thêm các nguồn lực để tập trung ứng phó với các thách thức của cuộc khủng hoảng và khi thích hợp sẽ chuyển sang một cách tiếp cận có tổ chức hơn để tháo gỡ những vấn đề về nợ công.

Bên cạnh đó, G20 ủng hộ kế hoạch của IMF nâng các mức dự trữ để giúp đỡ các quốc gia nghèo và cam kết đạt thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu trước giữa năm 2021.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn, G20 đã có nhiều biện pháp để thể hiện trách nhiệm dẫn dắt thế giới giải quyết các thách thức hiện nay, giúp ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt, đồng thời cũng là để vừa tự giúp mình kiểm soát đại dịch từ đó vực dậy nền kinh tế.

Tuy nhiên tới nay, chương trình giãn nợ cho các nước nghèo của G20 được cho là vẫn chưa phát huy hiệu quả đáng kể. Các số liệu chính thức cho thấy, mới chỉ có 46 trên tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện đề nghị và được chấp thuận hoãn trả khoản nợ tổng trị giá 5,7 tỷ USD.

Hiện tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ lên tới hơn 13,21 triệu ca, đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. (Nguồn: PTI)

Ấn Độ đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Sau khi ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục vào ngày 5/4, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ hai, chỉ sau Mỹ, báo cáo hơn 100 nghìn ca bệnh trong một ngày.

Đến ngày 8/4, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia báo cáo nhiều ca mới nhất với 131,8 nghìn ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên tổng cộng hơn 13 triệu ca mắc, chỉ đứng sau Mỹ và Brazil. Đặc biệt, trong ngày 10/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 145.384 ca mắc Covid -19 và số ca tử vong mới (794 ca) ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ tử vong do Covid-19 thì Ấn Độ vẫn thuộc top thấp nhất toàn cầu. Đến nay, Covid-19 đã cướp đi tính mạng của hơn 167 nghìn người tại Ấn Độ.

Tình hình nguy hiểm trên diễn ra chỉ hai tháng sau khi giới chức nước này tuyên bố đã cơ bản kiềm chế được dịch bệnh. Theo một số chuyên gia dịch tễ, sự xuất hiện của các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn của virus SARS-CoV-2 có thể đóng vai trò nhất định trong đợt bùng phát mới tại Ấn Độ. Nước này đã phát hiện hàng trăm ca nhiễm biến thể lần đầu được tìm thấy tại Anh, Nam Phi và Brazil.

Trong khi đó, không ít chuyên gia cho rằng, đợt bùng phát hiện nay xuất hiện một phần do người dân ngày càng coi nhẹ các biện pháp giãn cách xã hội và quy định đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng.

Là một trong những quốc gia sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã tiêm 77 triệu liều trong nước kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021 đến nay. Hiện Ấn Độ đang trong giai đoạn ba của chiến dịch tiêm chủng, dành cho những người từ 45 tuổi.

Trước đó, trong giai đoạn 1, nhân viên y tế và nhân viên trên tuyến đầu chống dịch được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên. Bước sang giai đoạn 2, người từ 60 tuổi trở lên và người từ 45 tuổi trở lên mắc nhiều bệnh trở thành đối tượng ưu tiên.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tieu-diem-quoc-te-trong-tuan-dam-phan-jcpoa-hieu-qua-nga-ukraine-ben-bo-chien-su-eu-tho-nhi-ky-no-luc-lam-lanh-141876.html