Tiểu điểm kinh tế tuần: Bước vào tháng 7, chứng khoán đã bị 'thổi bay' 7,5 tỷ USD

Bước vào tháng 7, chứng khoán đã bị 'thổi bay' 7,5 tỷ USD; Mỹ áp thuế 34 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp giấy đầu tư Dự án nhiệt điện Vũng Áng II;... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Bước vào tháng 7, chứng khoán đã bị “thổi bay” 7,5 tỷ USD

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi động hai phiên đầu tháng 7 đầy bất lợi khi chỉ số chính VN-Index mất tổng cộng hơn 54,68 điểm, tương ứng giảm hơn 5,7% so với thời điểm chốt phiên cuối tháng 6.

Trong phiên 3/7, có tới 374 mã giảm giá trên cả hai sàn cơ sở HSX và HNX, trong đó có tới 74 mã nằm sàn. Với diễn biến này, chỉ trong 2 phiên đầu tuần, vốn hóa thị trường của sàn HSX bị “thổi bay” 171.585 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán giảm mạnh vì nhiều lý do như thị trường thế giới giảm mạnh, tỷ giá biến động, khối ngoại bán liên tục… và còn do nhiều “tân binh” đã được định giá quá cao khiến nhà đầu tư nào mua từ đầu thì sẽ bị lỗ.
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc phòng Nghiên cứ và Phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, với mức giảm 4,3% của ngày 3/7, đây trở thành phiên giảm điểm mạnh nhất từ đầu tháng 2 đến nay.
Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục ngày 9/4, chỉ số đã giảm mạnh 25% và hiện chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 đến nay. Giá trị giao dịch trên sàn HSX đạt 197 triệu USD, với khối ngoại bán ròng 16 triệu USD.
Sắc xanh đã trở lại trong phiên giao dịch ngày 6/7. Chốt ngày, VN-Index tăng hơn 18 điểm (tương đương 2,01%) lên 917,51 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, trở lại mốc 900 với đà tăng gần 22 điểm. Trên sàn Hà Nội, cả HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 4,11% và 0,81%.
Duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp phần nào cho thấy sự thận trọng của thị trường. Diễn biến phiên tăng - phiên giảm đan xen liên tục gần đây khiến nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ vào khả năng phục hồi trong tương lai gần.
Dù vậy, việc VN-Index và VN30-Index cùng trở lại ngưỡng 900 điểm, còn HNX-Index trở lại ngưỡng 100 điểm đã giúp tâm lý thị trường bớt tiêu cực. Với đà giảm liên tục, nhiều cổ phiếu đã trở lại mặt bằng giá hấp dẫn từ cách đây gần một năm, kích thích tâm lý bắt đáy. Với những nhà đầu tư có tầm nhìn trung - dài hạn, việc tích lũy cổ phiếu vẫn được khuyến nghị từ các công ty chứng khoán.

Mỹ áp thuế 34 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới.

Tổng thống Trump trước đó xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.
Đáp lại quyết định của Washington, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng có hành động trả đũa nhằm vào khối lượng hàng hóa tương tự của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.
Trước đó một ngày, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ, cho rằng hành động của Washington trên thực tế "đang tự bắn vào chính mình". Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói: "Mỹ đã kích động cuộc chiến thương mại này. Chúng tôi không muốn tham chiến, nhưng để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác."
Ngày 4/7, Trung Quốc cũng tuyên bố bắt đầu áp các mức thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sau khi Washington thực thi vòng đầu tiên áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Dự kiến các biện pháp thuế mới Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7.
Tháng trước, Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm, gồm các loại ôtô, trị giá gần 34 tỷ USD, với mức thuế 25%. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ áp thuế bổ sung lên tới 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá 50 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp giấy đầu tư Dự án nhiệt điện Vũng Áng II

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản số 4247/BKHĐT bác đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) của chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, Nghị định số 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực tháng 6/2018 không quy định cấp/điều chỉnh Giấy CNĐKĐT các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Vì vậy, Bộ này không xem xét cấp Giấy CNĐKĐT cho dự án này.
Bộ KH&ĐT giải thích, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, có sự không trùng khớp trong đề nghị xin cấp đất của chủ đầu tư dự án với Quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn trước đó.
Cụ thể, đất Dự án theo đề nghị của nhà đầu tư là 94,6ha, nhưng diện tích đất được giao tại Quyết định 0538/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương tháng 1/2015 chỉ là 86 ha, tăng hơn 8,6 ha.
Thêm nữa, Dự án này được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường từ tháng 2/2015 nhưng đến nay đã qua 24 tháng không thực hiện. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nhà đầu tư phải lập lại báo cáo tác động môi trường.
Về vốn đầu tư, vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư và vốn các ngân hàng cam kết cho Công ty TNHH nhiệt điện Vũng Áng II (Công ty BOT) chưa đủ để thực hiện dự án.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II là hơn 12.668 tỷ đồng (555 triệu USD), bằng 25,4% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo báo cáo hết năm 2017, nhà đầu tư mới có hơn 26,4 triệu USD vốn Chủ sở hữu (hơn 607 tỷ đồng).
Về vốn huy động, vốn nhà đầu tư cần huy động là hơn 37.206 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), bằng 74% tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo hồ sơ dự án mới cung cấp các văn bản của các ngân hàng cam kết cho vay hơn 900 triệu USD. Như vậy, số vốn huy động còn thiếu hơn 700 triệu USD chưa được Chủ đầu tư làm rõ.
Được biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II là một trong những dự án nhiệt điện than thuộc Tổng sơ đồ điện VII của Việt Nam. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) làm chủ đầu tư dự án này theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).
VAPCO là liên doanh giữa Công ty OneEnergy Asia Limited và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE. Trong đó OneEnergy Asia Limited lại là liên doanh giữa công ty Hồng Kông - Trung Quốc và một công ty Nhật Bản.
Dự án này ban đầu dự kiến xây dựng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) với tổng công suất 1.200 MW; tổng vốn dự án ban đầu khoảng 1,2 tỷ USD, sau đó được nâng lên hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ năm 2007 khi VAPCO được thành lập, đến năm 2011 và những năm tiếp theo, Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II tiếp tục vướng mắc xung quanh nhiều vấn đề tài chính của liên doanh, chủ đầu tư.
Thuế môi trường với xăng dầu có thể tăng kịch khung từ tháng 10

Văn phòng Chính phủ vừa phân công Bộ Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường cho phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 11 đến 13/7).

Trước đó, hồi đầu năm, trong một dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên 4.000 đồng. Còn dầu diesel, tăng thêm 500 đồng thuế. Còn lại, dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay.

Một nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, vài ngày trước, Bộ Tài chính đã có đề nghị về Nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường và được Thủ tướng đồng ý với nội dung giữ nguyên mức tăng kịch khung như trên.

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nguồn tin này cho biết, thuế xăng dầu mới có thể áp dụng từ tháng 10, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch trước đó.

Lý do lùi thời điểm thực hiện là tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thông qua và ra nghị quyết. Ngoài ra, với áp lực lạm phát hiện nay, cơ quan soạn thảo cũng tính toán việc điều chỉnh cần tránh thời điểm tháng 9 - giai đoạn nhóm dịch vụ giáo dục khi vào năm học mới, có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Một trong những lý do đề xuất tăng kịch khung với thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chính, là "thuế nhập khẩu giảm mạnh", đồng thời giúp tăng thu gần 15.700 tỷ đồng mỗi năm.

Thuế nhập khẩu với xăng hiện áp dụng là 20% và với các loại dầu là 7%. Tuy nhiên, với các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mức thuế ưu đãi sẽ về 10% với xăng và 0% với dầu. Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ nhập khẩu xăng dầu đang liên tục giảm qua các năm khi một số nhà nhập khẩu chuyển sang nhập từ các thị trường có mức thuế ưu đãi.

Đầu tháng 4/2015, thuế bảo vệ môi trường với xăng đã được điều chỉnh tăng gấp ba từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít và là cơ sở giúp ngân sách tăng thu đáng kể trong vài năm trở lại đây.

Với phương án đề xuất điều chỉnh tăng tiếp lên 4.000 đồng, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng một năm, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng mỗi năm.

Trước đó, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo về đề xuất này nhưng nhận được nhiều phản ứng của dư luận. Mặc dù vậy, Bộ này vẫn cho rằng giá xăng Việt Nam hiện rẻ hơn nhiều nước và đề xuất này đã nhận được đồng thuận của nhiều Bộ, ngành khi đưa ra lấy ý kiến.

Ha Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tieu-diem-kinh-te-tuan-buoc-vao-thang-7-chung-khoan-da-bi-thoi-bay-75-ty-usd-320348.html