Tiêu điểm COP26: Giải quyết vấn đề ô nhiễm từ khí thải giao thông

Tại Việt Nam, các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Khí thải ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng môi trường sống và sức khỏe con người. Trong khi thực tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được khí thải đối với mô tô, xe gắn máy.

Với hàng chục triệu xe ô-tô, mô-tô, xe máy đang sử dụng, lưu thông trong đó rất nhiều xe đã cũ nát, không bảo dưỡng định kỳ... đang thải ra môi trường lượng khí thải khổng lồ. Ðây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây gia tăng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, những cảnh tắc đường như thế này, có lẽ đã trở nên quá quen thuộc. Đáng nói hơn, đa phần phương tiện ở đây lại là xe mô tô, xe gắn máy. Theo thống kê, tại 2 thành phố này, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng.

Bà TRẦN THU TRANG - Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: "Ở đây thì suốt ngày xe cộ đi lại, phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân cũng nhiều thì không khí lúc nào cũng ô nhiễm."

Theo nghiên cứu, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là từ các hoạt động giao thông vận tải. Các thành phần khí thải xe máy độc hại thường thấy là NOx, SOx, HC và CO…Đặc biệt, lượng khí nhà kính phát thải trong lĩnh vực giao thông chiếm tới trên 80%, áp đảo so với các lĩnh vực còn lại. Các loại phương tiện này đã và đang đe dọa môi trường, sức khỏe của con người.

TS.NGUYỄN THỊ YẾN LIÊN - Khoa Môi trường và An toàn giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải: "Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm dự kiến giai đoạn 2014-2030 có thể lên đến 6-7%/năm."

Về tác hại của các loại khí phát thải do các phương tiện giao thông gây ra...Nhiều loại bệnh như hô hấp, ung thư, rồi các loại bệnh về tim mạch...Điều đáng nói, khí thải từ xe máy, ô tô cũ, quá niên hạn sử dụng còn cao hơn và độc hại hơn gấp nhiều lần so với các phương tiện thông thường. Theo thống kê, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh ước tính có tới khoảng 40% phương tiện tham gia giao thông là những xe máy cũ đã sử dụng thời hạn trên 15 năm…Phải thừa nhận thực tế rằng, hiện chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát, không đảm bảo điều kiện an toàn kĩ thuật.

Ông LÊ THẾ ĐỨC - Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt - Nhật Motor: "Những xe quá tải động cơ ngày càng hao mòn, lượng ăn xăng, dầu tốn lên và lượng thải ra môi trường rất nhiều. Trong khi người tiêu dùng hiện nay phải hỏng hẳn mới thay thế."

Tác hại của khí thải từ các phương tiện giao thông cũ nát tới môi trường và sức khỏe con người đã rõ, nhưng việc quản lý, kiểm soát khí thải từ các phương tiện như mô tô, xe gắn máy ở nước ta hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, thậm chí là đang bị bỏ ngỏ.

Thực tế, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải từ mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, nhưng đến nay vẫn thiếu cơ sở để triển khai… Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là do Luật GTĐB hiện hành không có quy định kiểm định khí thải đối với loại nhóm phương tiện trên. Hơn nữa, đây là vấn đề có tác động lớn đến xã hội nên không thể triển khai khi thiếu cơ sở pháp lý.

Ông ĐẶNG TRẦN KHANH - Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam: “Thực ra thì Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 909/2010/QĐ-TTg về phê duyệt đề án kiểm soát khí thải ô tô và xe gắn máy. Tuy nhiên thì thực tế chưa triển khai được vì có nhiều vướng mắc. Vì chúng ta chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Với những vấn đề tác động sâu rộng, có tính chất xã hội cao đòi hỏi có cơ sở pháp lý chặt chẽ. Thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và bổ sung trong dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008.”

Luật sư ĐÀO NGỌC LÝ - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: “Chúng ta vẫn gặp trường hợp khói phun mù mịt. Đâu đó các đồng chí CSGT chỉ xử lý được vài trường hợp cá biệt. Tôi nghĩ đó là trường hợp nhỏ lẻ thôi. Chúng ta cần phải có cơ chế đồng bộ để hòng ngăn chặn triệt để cái đó.

Các chuyên gia cho rằng, quy định bắt buộc mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ là cần thiết. Mặt khác, cũng cần đặt ra lộ trình thực hiện, tránh áp đặt ngay lập tức sẽ làm khó người dân.

Ông ĐẶNG TRẦN KHANH - Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam: "Nếu Quốc hội thông qua chúng tôi sẽ triển khai và xây dựng lộ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để triển khai thực hiện dần theo từng bước. Hy vọng khi triển khai chất lượng xe lưu thông sẽ cải thiện."

Phải khẳng định việc kiểm định là cần thiết. Chúng ta phải tìm cách khắc phục vấn đề đó chứ không vì vấn đề đó mà chúng ta không tiến hành kiểm định hoặc thay đổi quan điểm về vấn đề này. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc.Năm 2021, TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện thí điểm khuyến khích người dân đo khí thải xe máy và hỗ trợ đổi xe mới bằng hình thức trợ giá. Tuy nhiên, kết quả của chương trình này không mấy khả quan, bởi nhiều người cho rằng dù được hỗ trợ thì người dân vẫn phải bỏ ra số tiền lớn, vượt quá khả năng của họ.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ các phương tiện giao thông đường bộ, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực và đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Ông NGUYỄN TRỌNG AN - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe:Làm thế nào chúng ta phải có sự đồng bộ. Ngành giao thông chúng ta có những giải pháp kiểm soát, nhưng quan trọng nhất là chính sách, pháp luật và chế tài. Bây giờ chúng ta biến đổi dần từ ô tô chạy xăng, chạy dầu sang chạy điện và xe máy cũng phải có lộ trình như thế. Thủ tướng đã có cam kết đến năm 2050 là zero cacbon thì chính sách cũng phải có lộ trình đến năm sau giảm thiểu như thế nào, số lượng ô tô, mô tô đăng ký ra sao, các mô tô, xe máy cũ thải ra kiểm soát như thế nào..phải có lộ trình.

PGS.TS BÙI THỊ AN - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: Hạn chế phương tiện giao thông quá cũ nát. Dần dần phải giảm bớt các phương tiện giao thông cá nhân và đẩy mạnh các phương tiện công cộng. Khuyến khích hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch.”

TS. NGUYỄN THỊ YẾN LIÊN - Khoa Môi trường và An toàn giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải: "Chúng ta có thể chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu thay thế như CNG hoặc nhiên liệu sinh học. Đồng thời có thể áp dụng chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe điện. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân."

Ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối của nhiều đô thị trên thế giới, các quốc gia cũng đều đang nỗ lực tìm các giải pháp hạn chế. Trong đó, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng hay đẩy mạnh các loại phương tiện xanh cũng được coi là chìa khóa để giải quyết vấn đề này, là yếu tố quan trọng giúp xây dựng và phát triển đô thị bền vững.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-cop26-giai-quyet-van-de-o-nhiem-tu-khi-thai-giao-thong