Tiêu cực trong kỳ thi THPT ở Hà Giang: Nên giao các trường đại học, cao đẳng... tự tuyển sinh

Không phải đợi đến lúc những gian lận điểm thi ở Hà Giang bị phanh phui người ta mới nói về những tiêu cực của một kỳ thi trọng điểm quốc gia - kỳ thi THPT. Nhưng vụ gian lận ở Hà Giang chính là lời cảnh báo cho 'một bịch gạo đã xay rất nhiều lần'.

Từ điểm liệt thành thủ khoa Hà Giang

Vụ việc 114 thí sinh ở Hà Giang được ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang nâng điểm đã làm chấn động dư luận cả nước mấy ngày qua.

Toàn bộ số bài thi bị thay đổi là hơn 330 bài thi của 114 thí sinh trên toàn địa bàn tỉnh Hà Giang có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Trong đó, có 102 bài thi Toán; 85 bài thi Vật lý; 56 bài thi Hóa học; 8 bài thi Sinh học; 9 bài thi Lịch sử; 3 bài thi Địa lý; 52 bài thi tiếng Anh.

Với việc gian lận điểm kể trên, rất nhiều thí sinh từ điểm liệt 1,0 cho mỗi môn “bỗng dưng” thành thủ khoa đại học. Bộ Công an đã vào cuộc điều tra để làm rõ vấn đề. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia đã được “nói đi, nói lại” từ trước nhưng chẳng ai tiếp thu.

Trong khi đó, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá: “Theo quan điểm của tôi, việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lý. Nhưng các kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay dạy nghề thì nên giao cho từng trường một, để các đơn vị này tổ chức chứ bộ không nên ôm đồm. Các trường đại học có đội ngũ cán bộ giảng dạy đông đảo, họ cần tuyển bao nhiêu thí sinh, thực hiện tuyển sinh theo hình thức nào, theo tôi các trường đủ sức làm được việc này. Bộ GD-ĐT không nên gộp 2 kỳ thi vào thành 1, việc tổ chức đề thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để tuyển vào đại học là rất phiền phức và dễ nảy sinh tiêu cực”.

Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

TS. Huỳnh Văn Thông.

Phổ cập đại học?

Đánh giá về vấn đề này, TS. Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “Vụ việc ở Hà Giang một lần nữa cho thấy sự mất kiểm soát của Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức một kỳ thi lớn. Khi bộ máy cơ sở không đủ độ tin cậy, làm giáo dục mà phải canh giữ lẫn nhau nhưng vẫn mất kiểm soát, tôi nghĩ bộ nên cân nhắc về kỳ thi THPT quốc gia.”

Có thể thấy, rất nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đã nhìn ra vấn đề của nền giáo dục nói chung và kỳ thi THPT quốc gia nói riêng. Nhìn ra và dám lên tiếng, thế nhưng nền giáo dục Việt Nam dường như vẫn “dậm chân tại chỗ” hay thậm chí đi thụt lùi so với thời kỳ trước, dù đã có rất nhiều cải cách.

Việc nhập kỳ thi đại học và THPT thành một kỳ thi mang tên thi THPT quốc gia là câu chuyện dở khóc dở cười của một nền giáo dục loay hoay đi tìm những giá trị đích thực. Một hình thức cải cách, sáp nhập kỳ thi những tưởng sẽ tiết kiệm chi phí, kỳ thực lại gây ra những câu chuyện đầy tính bi hài, mà vụ gian lận thi cử ở Hà Giang vừa qua là một ví dụ đau lòng.

Kết quả điều tra ban đầu ở Hà Giang cho thấy ông Vũ Trọng Lương là người duy nhất trực tiếp tác động đến điểm thi của các thí sinh ở Hà Giang.

Câu hỏi đặt ra là một mình ông Lương liệu có đủ sức để thực hiện hành vi gian lận điểm cho rất nhiều thí sinh trên toàn tỉnh Hà Giang, hay chăng còn rất nhiều những cái tên liên quan chưa được đề cập đến?

Rộng hơn nữa, sẽ còn bao nhiêu Hà Giang nữa bị phanh phui? Những Sơn La,Lạng Sơn, Cao Bằng… của vòng cung vùng núi phía Bắc, đang dần dần hiển lộ những sai phạm nghiêm trọng về điểm thi, giáo dục. Mà có lẽ, không chỉ Hà Giang và các địa phương kể trên. Theo TS. Huỳnh Văn Thông: “Các cơ sở giáo dục ở địa phương không đủ độ tin cậy”.

Cả Viện sĩ Phạm Minh Hạc lẫn TS. Huỳnh Văn Thông đều ủng hộ việc phân tách kỳ thi đại học về các trường. Nhiều chuyên gia giáo dục đã đề cập đến việc trả kỳ thi tuyển sinh đại học về cho các trường đại học tự tổ chức, kiểm soát. Việc làm này có thể giúp các trường đại học tự chủ về chất lượng tuyển sinh đầu vào, chủ động trong việc quyết định, lựa chọn sinh viên đủ chất lượng cho trường. Trong khi đó, việc Bộ GD-ĐT vẫn “khiên cưỡng” về kỳ thi THPT quốc gia, lại cho thấy sự mất kiểm soát, khó quản lý.

Phải chăng, ý định của Bộ GD-ĐT là phổ cập cả đại học? Một bậc học mà bấy lâu nay trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt, là “con đường duy nhất để vào đời”.

Thực trạng đau lòng của Hà Giang khiến cho niềm tin vào giáo dục nước nhà một lần nữa bị lung lay. Một nền giáo dục bộc lộ quá nhiều yếu kém, đầy rẫy những sai phạm chắc hẳn không thể nào là nền giáo dục có thể đào tạo ra những nhân tài phục vụ cho lợi ích quốc gia như chúng ta hằng mong muốn? Nói một cách khác, đó là một nền giáo dục gian lận, một nền giáo dục dạy cho con người cách ăn gian, từ những điểm số nhỏ nhất.

Thiết nghĩ, cần một cuộc thanh tra, giám sát toàn diện và quyết liệt hơn nữa để “cứu” một nền giáo dục đang nghiêng đổ. Giáo dục phải minh bạch, mới có thể tạo ra những giá trị minh bạch, tạo nên một quốc gia minh bạch và đàng hoàng.

Bảng điểm các môn trước và sau khi chỉnh sửa của 3 thủ khoa tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Người Lao Động) .

Bộ Công an đang kiểm tra, rà soát quy trình chấm điểm bài thi ở Hà Giang. (ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an).

Đăng Kiệt - Thế Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/tieu-cuc-trong-ky-thi-thpt-o-ha-giang-nen-giao-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-tu-tuyen-sinh-d68810.html