Tiêu cực trong cơ quan phòng chống tham nhũng: Phải xử lý nghiêm minh

Vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi 'vòi tiền' trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN); Thủ tướng Chính phủ cũng có ngay những chỉ đạo để xử lý nghiêm các hành vi 'vòi vĩnh' trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong các cơ quan có chức năng PCTN.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vẫn xảy ra những vụ việc đáng lên án

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác PCTN với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã nhận được hưởng ứng tích cực của người dân. Tình trạng tham nhũng đang được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi. Nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN. Việc khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”; xử lý, ngăn chặn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc đã được chú trọng.

ĐB Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Xử lý hình sự để làm gương

Vụ việc đang được làm rõ, có thể chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng trên thực tế, những sự việc lực lượng thanh tra lại vi phạm pháp luật là có. Vì thế, nếu phát hiện, phải xử lý đến nơi, đến chốn, đặc biệt đây lại là cán bộ thực hiện quyền được thanh tra, kiểm toán mà lại có hành vi vòi vĩnh, ăn hối lộ thì càng phải xử lý thật nghiêm. Thậm chí nếu phải xử lý hình sự để răn đe, làm gương cho những người khác.

Trong đó, việc phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN đã liên tục được lưu ý, cảnh báo. Việc này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là những "thanh bảo kiếm" sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng; có quy định để ngăn ngừa có hiệu quả những sự tác động không theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cơ quan này. Điều đặc biệt quan trọng, những người làm trong cơ quan có chức năng PCTN phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào.

Nhưng thật đáng tiếc, dù những lời cảnh báo liên tục được đưa ra, quy định pháp luật đã đầy đủ nhưng hiện tượng tham nhũng ngay trong chính cơ quan có chức năng PCTN vẫn xuất hiện, mà mới nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh: “Bộ không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm pháp luật”.

Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc cán bộ thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị phát hiện đầu tiên. Trước đó không lâu, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với một số cán bộ Thanh tra về tội nhận hối lộ... khiến người dân rất bức xúc. Như các đại biểu Quốc hội đã nhận định, người dân bức xúc là đúng, bởi cơ quan thực thi công vụ mà làm không đúng bổn phận trách nhiệm của mình, còn vi phạm rất nghiêm trọng đến Luật PCTN thì cần phải xử lý nghiêm minh và công khai. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư), những vụ việc vừa rồi bị lộ, lọt ra cho thấy cần phải siết chặt lại hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, bản thân hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng phải soát xét lại, nhất là khâu lựa chọn cán bộ, thông qua đó bổ nhiệm cán bộ ra sao, thành lập đoàn thanh tra như thế nào.

Loại ngay cán bộ không đủ phẩm chất

Khi vụ việc trên xảy ra, một lần nữa dư luận cũng cho rằng, cần làm rõ "trắng ra trắng, đen ra đen" để đem sự việc ra ánh sáng. Đồng thời cũng đòi hỏi cao hơn về yêu cầu “giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN”. Để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng này, ngày 17/6, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã có công văn yêu cầu khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có sai phạm. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN…

Ông Nguyễn Ninh Vân (phường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng): Giám sát mạnh mẽ hơn

Tham nhũng vẫn đang len lỏi và xuất hiện ở mọi nơi, ngay chính trong cơ quan PCTN là điều đáng lo ngại. Vụ việc vừa qua có thể chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” nhưng để PCTN, hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan chức năng phải làm mạnh mẽ hơn, bao phủ rộng hơn từ giám sát kê khai tài sản cán bộ, giám sát việc quản lý, sử dụng công sản, các công trình…. Đồng thời, siết chặt hơn các quy định của pháp luật, hoạt động công vụ để cán bộ không thể lợi dụng, lách luật vi phạm.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Công điện số 724 về việc tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Cùng với chỉ rõ thực trạng nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm, Thủ tướng cũng chỉ rõ những yêu cầu thực hiện trong tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Trong đó, nhấn mạnh việc ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định… Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, các cơ quan báo chí và Nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Trước đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục xử lý các cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm toán, những cán bộ có quyền lực nhưng có hành vi vi phạm. Phải thực hiện nghiêm, phải công khai, có giám sát để chống những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực bằng quyền lực của những cán bộ ấy. Đây chính là một yêu cầu trong tình hình mới hiện nay".

Những động thái trên cho thấy Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng. Cử tri và Nhân dân cũng hy vọng, vụ việc cụ thể này sẽ được làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh tất cả những người có liên quan đề tạo sức răn đe, tránh những vi phạm tương tự.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Hành vi đáng xấu hổ

Vụ việc một số Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi vĩnh” nhận hối lộ vừa qua có thể nói là hành vi đáng xấu hổ. Trên một ý nghĩa nào đó, hành vi đó còn là thách thức với cuộc đấu tranh PCTN mà Đảng và toàn xã hội đang rất quan tâm, đẩy mạnh. Vì thế phải chỉ đạo xử lý nghiêm theo Luật PCTN, Thanh tra và cả Bộ Luật hình sự.

Đồng thời, phải công khai, thể hiện sự minh bạch của pháp luật, chứ đừng dừng ở xử lý nội bộ. Đúng như chỉ đạo rất kịp thời của T.Ư và Chính phủ, qua đây phải rà soát lại hàng ngũ cán bộ thanh tra các cấp, để thanh lọc, lựa chọn cán bộ liêm chính. Nếu để cán bộ biến chất còn trong đội ngũ thì khả năng thực thi PCTN của các cơ quan này sẽ gặp rào cản nhất định.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tieu-cuc-trong-co-quan-phong-chong-tham-nhung-phai-xu-ly-nghiem-minh-345894.html