Tiêu chuẩn quốc tế mang lại lợi ích trên nhiều phương diện

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Bộ KH-CN

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Bộ KH-CN

Ngày 11.10 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới (14.10) và Hội thảo Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy hội nhập toàn cầu.

Mỗi năm, 3 tổ chức gồm Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đều thống nhất đưa ra một chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Năm 2019, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới có chủ đề “Tiêu chuẩn video tạo lập một sân khấu toàn cầu”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong tiến bộ về công nghệ nén video - một công nghệ biểu đạt hiện đại, phổ biến trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng cho biết tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội. Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp công ty giải quyết trong những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.

Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng chúng an toàn, tin cậy và có chất lượng tốt. Ngoài ra tiêu chuẩn quốc tế cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định quốc gia, đảm bảo các yêu cầu đối với việc xuất, nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới,…

Ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam có hơn 11.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là 54% đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Bộ KH-CN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã thành lập được 136 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, gồm hơn 1.100 chuyên gia là các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà quản lý hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên môn thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành, viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, nhà sản xuất… tham gia xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng các Tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 20 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX…

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/tieu-chuan-quoc-te-mang-lai-loi-ich-tren-nhieu-phuong-dien-123184.html