Tiêu chuẩn ngăn cản xứng đáng!

Tiêu chuẩn xét tặng 'Giải thưởng Nhà nước' về văn học - nghệ thuật đã và đang là rào cản đối với nhiều nghệ sĩ xứng đáng được vinh danh, dù họ không bao giờ đủ tiêu chuẩn.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hội Sân khấu TPHCM đã gửi đơn đến Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương kiến nghị xem xét trao “Giải thưởng Nhà nước” trong đợt này cho cố nghệ sĩ Viễn Châu, cùng một số soạn giả có nhiều tác phẩm giá trị.

Đặc cách – vì tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” được đưa ra, nhiều soạn giả dù có đóng góp lớn nhưng không đủ các tiêu chuẩn xét giải. Cụ thể: Các tác phẩm phải được tặng giải Nhất, Nhì, Ba (giải A, B, C hoặc giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học - nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…

Trước đây, con trai cố soạn giả Viễn Châu từng làm hồ sơ cho cha nhưng không thành công. Tiêu chuẩn xét duyệt đã “đánh bật” một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn như Viễn Châu, dù ông là danh cầm, một soạn giả xuất sắc đến độ người Nam Bộ hiếm ai không biết.

NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho rằng, đang có sự thiếu công bằng trong việc vinh danh, đánh giá các soạn giả cải lương thế hệ trước. Vì nếu theo quy định này, họ không bao giờ đủ tiêu chuẩn. Tác phẩm của họ có giá trị đến đâu, sức lan tỏa lớn mức nào cũng khó có được huy chương, giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu cấp quốc gia, quốc tế. Trong khi đó, với các hội thi, liên hoan thì họ không được mời.

Không chỉ với cố nghệ sĩ Viễn Châu, NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) là cha đẻ của khuynh hướng sáng tác sân khấu “Thật và Đẹp”. Dù khuynh hướng này có sức ảnh hưởng sâu rộng nhưng bản thân ông cũng chưa được xem xét vì “vướng” tiêu chuẩn này.

Cho rằng tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng cứng nhắc, NSND Ngọc Giàu bức xúc: Soạn giả Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang… là bậc thầy - những nghệ sĩ “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương. Họ làm gì có điều kiện để tham dự hội diễn, liên hoan, nhất là khi quy định này ra đời, có người đã về trời. Nhà nước nên xét trao tặng giải thưởng thông qua tác phẩm.

Thực tế cho thấy, một tác phẩm có giá trị chưa chắc đã đoạt giải; ngược lại tác phẩm có giải chưa hẳn đã hay. “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du là một ví dụ điển hình, nhưng tầm ảnh hưởng thì được toàn xã hội công nhận. Và nếu theo tiêu chuẩn xét giải, thì chắc chắn Đại thi hào dân tộc cũng sẽ bị “trượt”.

Chế Lan Viên từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Nhưng đến cả Nguyễn Du cũng phải “rớt giải” nếu chiểu theo tiêu chuẩn kia, thì đúng là “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Đã đến lúc điều chỉnh lại các tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng. Chỉ có dựa vào tác phẩm để đánh giá sự xứng đáng của tác giả thì mới hạn chế được thiếu sót, khắc phục được sai lầm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/tieu-chuan-ngan-can-xung-dang-oBxHQKDGg.html